Ly kỳ chuyện nữ doanh nhân giàu thứ 2 Việt Nam thời phong kiến, được chúa Trịnh phong ‘Phú gia địch quốc’

18/11/2023 11:47:08

Bà là 1 trong 3 người được nhắc đến trong thơ ca bên cạnh cô Đỏ Thanh Hoa và Thạch Sùng về sự giàu có nhất nhì Việt Nam thời phong kiến, được chúa Trịnh Sâm phong là "phú gia địch quốc".

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam có nhiều người giàu có nổi tiếng với khối tài sản khổng lồ. Trong đó, người giàu thứ 2 được ví như “Phú gia địch quốc” được nhắc đến trong những câu thơ: “Thứ nhất cô Đỏ Thanh Hoa/Thứ nhì Bổi Lạng/Thứ ba Thạch Sùng". Đó chính là nữ doanh nhân Bổi Lạng.

Không chỉ là người phụ nữ giàu có nhất nhì Việt Nam thời xưa, bà Bổi Lạng còn được chúa Trịnh ưu ái sắc phong danh hiệu "Phú gia địch quốc". Trong tay bà từng sở hữu khối tài sản "khủng": nghìn mẫu ruộng, tiền vạn xâu, lúa thóc, gia súc nhiều vô kể. Bà cũng rất tích cực làm từ thiện và giúp đỡ người nghèo đói.

Theo văn bia còn lưu lại thì bà Bổi Lạng sinh giữa thế kỷ XVII, tại làng Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng (nay là xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương). Thuở nhỏ bà có tên là Thuyết, khi trưởng thành đổi tên là Trị.

Ly kỳ chuyện nữ doanh nhân giàu thứ 2 Việt Nam thời phong kiến, được chúa Trịnh phong ‘Phú gia địch quốc’

Xuất thân trong gia đình nghèo khó, bố mất sớm, song bà rất chịu thương, chịu khó. Ngoài 20 tuổi, bà kết hôn với ông Sái Đắc Lộc, quê Hà Tĩnh. Vợ chồng tâm đầu ý hợp, chọn nghề xay giã, buôn bán lúa gạo để lập nghiệp nên được gọi là bà Bổi Lạng.

Năm Quý Mùi (1703), thóc như ngọc quý, bà lấy của tích lũy được mua ruộng ở các nơi. Chẳng bao lâu bà trở thành người giàu có nhất vùng. Ruộng có nghìn mẫu, tiền có trên vạn xâu, thóc lúa, gia súc nhiều không đếm xuể.

Điều thú vị là đến nay, xung quanh cuộc đời của bà còn nhiều câu chuyện ly kỳ lưu truyền trong dân gian. Riêng chuyện bà trở nên giàu có đã có nhiều dị bản. Nhưng chuyện kể bà mò được vàng đáng tin hơn cả.

Thuở hàn vi, Bổi Lạng hằng ngày thường ra sông mò hến bán. Một buổi chiều, trong lúc mò hến, bà mò được nhiều vàng bạc, châu báu. Bà mang về nhà cất lấy vốn làm ăn. Có người giải thích, vào cuối thế kỷ XVI, quân Lê - Trịnh và nhà Mạc đã có trận chiến ở khúc sông xã Bình Lãng. Thuyền chở vàng bạc của quân nhà Lê - Trịnh bị đắm rơi hết xuống sông.

Không chỉ giàu có, bà còn nổi tiếng với lòng từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Phía trước nhà bà có nhánh sông, muốn giúp đỡ kẻ khó, bà bảo họ ra đó mò cua, bắt hến bán cho bà. Khi ốc hến cạn kiệt, họ mò cả sỏi về bán, song bà vẫn mua. Người ta đồn bà Bổi nhìn sỏi ra vàng. Từ đó khúc sông được gọi là sông Vàng.

Ly kỳ chuyện nữ doanh nhân giàu thứ 2 Việt Nam thời phong kiến, được chúa Trịnh phong ‘Phú gia địch quốc’ - 1
Bia đá hình tứ trụ có niên đại Vĩnh Thịnh thập lục niên (1720) cao gần 2 m, rộng trên 0,6m trên có chữ Nho đã mờ ghi chép về cuộc đời của nữ doanh nhân Bổi Lạng

Một lần qua bến Vạn thuộc làng La Tỉnh, thấy cây cầu đã đổ nát, người qua sông phải lội, bà liền cho đóng hai con thuyền, lại sai Phạm Cân và Đỗ Văn Ha là người bản xã lái đò miễn phí cho dân. Bà còn cho mỗi người 5 mẫu ruộng để lấy lộc điền sinh sống. Bà còn bỏ tiền công đức bắc trên 30 cây cầu đá cho dân trong huyện Tứ Kỳ.

Những việc từ thiện của bà Bổi Lạng truyền tụng đến tai chúa Trịnh Sâm. Để tìm hiểu thực hư, chúa đã dẫn quan quân đi đường thủy về Bình Lãng. Đến đoạn sông quê bà thấy bụi bay mù mịt, hoa tiêu báo rằng, bụi bay là do nhân dân làng Bình Lãng đang xay giã gạo.

Bà Bổi Lạng thấy mình chỉ là kẻ giàu có ở chốn thôn dã mà được chúa đến thăm bèn xin phép khao quân sĩ 3 ngày để tỏ lòng biết ơn. Được chúa đồng ý, bà liền sai gia nhân làm trên trăm mâm cỗ thịnh soạn và dặn trước, quan quân ăn xong không phải rửa bát đĩa, có thể đập mua vui.

Suốt 3 ngày tiệc tùng linh đình như thế, nhà chúa bái phục phong cho bà “Phú gia địch quốc” (người giàu có nhất thiên hạ) hay “Thạc nhân” (người đàn bà vĩ đại). Từ “Thạc nhân” được khắc trên lăng mộ của bà. Cũng từ đó trong dân gian lưu truyền câu ca để nói lên sự giàu có của bà: “Thứ nhất cô Đỏ Thanh Hoa/Thứ nhì Bổi Lạng, thứ ba Thạch Sùng".

Sự giàu có của bà còn được chép trong sử sách. Trong Kiến văn tiểu lục, đánh giá về các doanh nhân vào cuối thế kỷ XVII ở đồng bằng sông Hồng, Lê Quý Đôn viết: “Năm thứ 20, niên hiệu Chính Hòa (1699) ở nước ta có những người như Huyện Lân ở Thiên Bản, Công Trung ở Thanh Quan, bà Bổi Lạng ở Bình Lãng, Tứ Kỳ… vàng, bạc tiền, thóc kể có ức vạn, đất nhiều ruộng tốt khắp một địa phương".

Ly kỳ chuyện nữ doanh nhân giàu thứ 2 Việt Nam thời phong kiến, được chúa Trịnh phong ‘Phú gia địch quốc’ - 2
Khu lăng mộ bà Bổi Lạng có diện tích nhỏ hẹp ở cánh đồng Vông. Ảnh: Báo Hải Dương

Theo báo Hải Dương, lăng mộ của bà Bổi Lạng nằm ở cánh đồng Vông, thôn Đông Phong (xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương). Sách "Hải Dương phong vật chí" có ghi, ở xã Bình Lãng có một ngôi mộ cổ cao 9 thước, dài 7 thước, rộng 5 thước; toàn bằng đá xanh nhẵn bóng như bôi mỡ, phía trước có giường và thú bằng đá; phía trái có bia bằng đá khắc bài văn do Từ Thiên tiên sinh, tước Liên quận công, Thám hoa triều Lê soạn.

Còn theo tài liệu của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tứ Kỳ, bà Bổi Lạng cho dựng lăng và soạn văn bia vào năm 1720 trước khi mất một năm.

Năm 2016, di tích lăng bà Bổi Lạng đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Di tích có giá trị cả về kiến trúc, lịch sử nên rất cần được nghiên cứu kỹ và trùng tu, tôn tạo kịp thời.

Đầu năm 2022, UBND xã Bình Lãng đã tổ chức hội nghị điều chỉnh, khoanh vùng bảo vệ di tích lăng mộ bà Bổi Lạng. Theo đó, diện tích khu lăng mộ được điều chỉnh từ 1.197 m2 lên 24.100 m2. Phần lớn người dân trong xã đều đồng thuận với chủ trương này.

(Tổng hợp)

Biên Thùy (SHTT)

Nổi bật