Biểu đồ giá heo hơi trên khắp cả nước vẫn chưa được cải thiện, cho dù hơn tuần nay Trung Quốc đã chủ động mở “he hé” cửa khẩu để nhập heo từ Việt Nam.
Đại nạn vì tin giả
Hồi đầu tháng 5, thông tin đàn heo được giải cứu, giá tăng trở lại dồn dập xuất hiện trên mặt báo, đài khiến người nuôi heo mừng thầm, số đông chủ động ngưng bán ra để chờ giá lên. Sau thời gian mòn mỏi trông đợi giá heo tăng không thấy đâu, đến tuần cuối tháng 5, người chăn nuôi không thể cầm cự nổi, buộc phải bán ra. Vậy là lượng heo đưa ra thị trường trong vòng hơn tuần nay lại tăng mạnh. Giá heo, do đó, lại đổ dốc, trở về quanh mức 17.000 – 22.000 đồng/kg như hồi đầu tháng.
Heo hơi rớt giá, các đại lý thức ăn cũng chịu chung số phận vì bán cám ra mà không thu lại được tiền. |
Có thể khẳng định, đến thời điểm này, các biện pháp giải cứu con heo đều không mang lại hiệu quả như mong đợi của hàng triệu hộ chăn nuôi. Thực tế là, từ khi các bộ ngành mở chiến dịch kêu gọi nhà nhà ăn thịt heo, người người ăn thịt heo, nhu cầu tiêu thụ có tăng thêm dăm mười phần trăm, trong khi lượng heo tồn đọng còn quá lớn.
Ông Trần Quang Trung, một người chăn nuôi heo chuyên nghiệp ở Đồng Nai thông tin giá heo hơi vẫn loanh quanh mức 20.000 – 24.000 đồng/kg, còn sức tiêu thụ thì ngày một đuối dần, bán rất chậm.
Tuần qua, cánh thương lái chuyên chở heo đi biên giới cho biết Trung Quốc bắt đầu mở “he hé” cửa khẩu, nhưng giá giao dịch tại cửa khẩu vỏn vẹn có… 24.000 đồng/kg. Như vậy, với sản lượng mua đã thấp, giá mua cũng bèo bọt nên người chăn nuôi cũng chẳng có hy vọng gì nhiều vào đầu mối tiêu thụ này. Một số thương lái còn cho hay, Trung Quốc rõ ràng là đang ép giá khi thấy đàn heo ở Việt Nam khủng hoảng thừa. Cũng có tin do giá heo hơi tại Trung Quốc đã hạ từ 16 – 17 tệ (52.000 – 54.000 đồng/kg) còn 12 – 13 tệ (quanh ngưỡng 40.000 đồng) nên giá heo hơi tại cửa khẩu khó lòng tăng lên được. Thực tế, Trung Quốc vẫn có nhu cầu nhập khẩu thịt heo từ các nước, trong đó có nguồn từ cửa khẩu Việt Nam để cân đối cung cầu cho các tỉnh giáp ranh, nhưng do một số đầu nậu Trung Quốc trước đây chuyên mua heo của Việt Nam (nghe tin có tới bảy doanh nghiệp) đã bị chính quyền sở tại bắt, quy tội buôn lậu nên bây giờ rất ít thương nhân dám đứng ra mua. Đây cũng là trở ngại, giải thích vì sao Trung Quốc không đẩy mạnh mua heo hơi của Việt Nam.
Ngoài Trung Quốc, vài ngày gần đây Campuchia cũng có nhu cầu nhập heo từ Việt Nam, mỗi ngày khoảng năm bảy ngàn con, nhưng số lượng không ổn định nên người chăn nuôi cũng không có hy vọng nhiều đàn heo sẽ được nước láng giềng này cứu.
Trên bờ vực phá sản
Tình hình chung là thị trường heo hơi cả nước vẫn quá ảm đạm, đến mức, trên diễn đàn mạng bắt đầu xuất hiện lác đác các thông tin trại heo ở chỗ này, chỗ kia phá sản, chủ trại bỏ trốn. Các đại lý thức ăn cũng chịu chung số phận vì bán cám ra mà không thu lại được tiền. Một chủ trại heo ở khu vực Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai nói gia đình anh có 300 nái, mấy tháng nay bán lứa nào cũng lỗ ba bốn trăm triệu và hiện sổ đỏ của hai khu trại 2,5ha cộng thêm sổ đỏ căn nhà 300m2 đã “cắm” hết vào ngân hàng để lấy tiền mua cám. Anh kể, đa số các chủ trại heo hiện nay cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Mọi người ai nấy đều phải lục lọi xem trong nhà còn thứ tài sản gì quý giá có thể “cắm”, bán được để lấy tiền mua thức ăn cho đàn heo.
Trước đây, khi giá heo còn cao, chủ trại thường được các công ty, nhất là hệ thống đại lý bán chịu. Tuy nhiên, từ khi thị trường thịt heo rơi vào khủng hoảng, đại lý, công ty bắt đầu cắt giảm bán chịu, yêu cầu chủ trại phải có tiền mặt. Hơn nữa, khi heo hơi giảm giá, người nuôi thua lỗ thì ngay cả “sức khoẻ” của hệ thống đại lý cũng có vấn đề, vì họ không thể “nuôi” nổi các trại nếu cứ bán chịu. Đại lý cũng phải “cắm” sổ đỏ hoặc bất cứ tài sản gì có giá trị để mua thức ăn từ các công ty vì vài năm trở lại đây, để phòng rủi ro nên rất ít nhà máy thực hiện chính sách bán chịu thức ăn xuống đại lý như trước.
Anh Thao, chủ đại lý thức ăn ở huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, nói gia đình anh còn hơn tỉ đồng “mắc kẹt” ở các trại heo suốt ba tháng nay mà chưa lấy lại được. Ngoài việc cắt giảm sản lượng, anh Thao còn ngưng bán chịu thức ăn, đồng thời tích cực thu nợ để trả lãi ngân hàng.
“Tiền thức ăn chiếm 70% giá thành chăn nuôi. Con heo 1 tạ có giá thành nuôi gần 4 triệu thì riêng thức ăn đã là 2,8 triệu. Trại nào ít thì mười con, nhiều thì lên hàng trăm, hàng ngàn con. Cứ thế, đại lý muốn làm ăn được thì phải cạnh tranh, “ném” tiền vào đó ba bốn tháng. Rủi ro rất cao, trong khi tài sản do mình bỏ ra, có thứ gì giá trị thì cắm hết ngân hàng để ôm hàng từ công ty. Sau cú này chắc gia đình tui phải chuyển nghề!”, anh Thao tâm sự.
Như vậy là, cơn khủng hoảng thị trường thịt heo đang kéo theo hệ luỵ dây chuyền theo kiểu “trạng chết thì chúa cũng băng hà”. Con heo ế ẩm, giá giảm, thua lỗ, người nuôi bỏ đàn thì đối tượng gánh hậu quả trước tiên là hệ thống đại lý thức ăn, thuốc thú y, các công ty sản xuất cám “chết” theo. Hiện nay, riêng phần nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu về theo định kỳ còn tồn đọng hàng triệu tấn ở các kho, cảng không thể giải quyết được vì sản lượng thức ăn bán ra của các nhà máy đã giảm ít nhất 30 – 40%. Có nhiều nhà máy, lượng thức ăn sản xuất ra không còn kho chứa. Các doanh nghiệp nhập nguyên liệu cũng khóc ròng vì chôn vốn hàng tỉ đôla trong kho.
Không ai có thể ngờ được rằng, trùng thời điểm này năm ngoái, ngành chăn nuôi heo còn ăn nên làm ra, giá heo trên 50.000 đồng/kg, nuôi ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Ai nấy đều hoan hỷ. Còn nay thì tất cả mọi đối tượng đều đang nơm nớp lo sợ phá sản. Tương lai còn khá mịt mù, đó là chưa kể rồi đây, con heo cũng sẽ làm cho sức tiêu thụ hàng hoá ở khu vực nông thôn kiệt quệ, kéo theo bao hệ luỵ nữa…
Theo Bảo Ngọc (Thế Giới Tiếp Thị)