Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa trình Sở GTVT TP.HCM một số nội dung liên quan đến dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) để chuẩn bị báo cáo Quốc hội.
Trong đó, MAUR nêu rõ khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tuyến metro số 1 đang bị chậm tiến độ và có thể kéo dài thời gian hoàn thành vào cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Đã đạt hơn 87% toàn dự án
Theo MAUR, hiện khối lượng toàn dự án đạt 87,5%, dự kiến đến cuối năm 2021 đạt 91%. Tư vấn chung (liên danh NJPT) cũng đánh giá tiến độ dự án khó có thể hoàn thành trong năm 2021.
Hiện MAUR đang cùng NJPT và các nhà thầu thi công xây dựng lại tiến độ trên cơ sở đánh giá từng tác động. Theo đó, dự kiến thời gian hoàn thành dự án vào khoảng cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Theo đánh giá của tư vấn chung NJPT, đối với công việc của các nhà thầu xây lắp (CP1a, CP1b, CP2) có khối lượng sản phẩm, hạng mục công việc được thực hiện (sản xuất, chế tạo, thử nghiệm...) ở nước ngoài tương đối thấp. Tuy nhiên, các công việc liên quan đến gói thầu CP3 thì chủ yếu tập trung ở nước ngoài như mua sắm, sản xuất, vận chuyển, điều động chuyên gia nước ngoài… nên ảnh hưởng tiến độ khá nhiều.
Đối với các gói thầu còn lại, MAUR và các nhà thầu đã có phương án và thực hiện biện pháp thi công “ba tại chỗ” hoặc di chuyển theo “một cung đường - hai điểm đến ”. Tuy nhiên, số lượng công nhân trên công trường cũng hạn chế, còn khoảng 500 người.
MAUR cho biết việc sụt giảm mạnh nhân công, các chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh và vật tư, thiết bị cũng không thể nhập được đúng tiến độ đã ảnh hưởng rất lớn đến dự án.
Đến nay, các nhà thầu đã đệ trình các khiếu nại liên quan đến dịch COVID-19. Theo đó, các nhà thầu đề nghị gia hạn thời gian hoàn thành và bổ sung các chi phí phát sinh do dịch COVID-19.
Kiến nghị tháo gỡ nhiều vướng mắc
MAUR cho biết trước tình hình trên, đơn vị đang tăng cường điều phối các nhà thầu để kiểm soát chặt chẽ tiến độ dự án. Bên cạnh đó, MAUR và các nhà thầu cũng linh hoạt để đẩy nhanh tối đa các công tác có thể tiến hành thực hiện trong nước và thực hiện đánh giá lại các hạng mục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Để giải quyết khó khăn, MAUR kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia của dự án. Đối với các chuyên gia đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine tại nước sở tại, cùng với kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực, có thể xem xét rút ngắn thời gian cách ly tập trung trước khi thực hiện công việc của dự án.
Bên cạnh đó, các cấp có biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc thông thương hàng hóa, thiết bị, vật tư của dự án trong việc vận chuyển nhập cảng và thông quan. Đồng thời có các biện pháp cấp phép (với số lượng được kiểm soát) các xe vận chuyển vật tư, vật liệu, thiết bị của dự án trong thời gian TP thực hiện giãn cách.
Tương tự, MAUR kiến nghị các cấp có biện pháp hỗ trợ đối với việc cấp phép các xe trung chuyển nhân công, các xe cung cấp hậu cần và nhu yếu phẩm phục vụ thi công “ba tại chỗ”.
Cần có giải pháp giải quyết nhanh chóng
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng theo kế hoạch dự án, cuối năm 2021 hoàn thành, vận hành thương mại năm 2022 thì nay kéo dài đến năm 2024 là rất trễ.
Theo ông Sơn, thời gian kéo dài dự án như trên là không hợp lý vì ba năm là khoảng thời gian rất dài và chúng ta có thể làm dự án khác nữa. Hiện nay, phần xây dựng thô đã ổn, giải phóng mặt bằng là khâu khó nhất cũng đã vượt qua thì mọi khó khăn khác đều có thể đánh giá, đưa ra giải pháp để giải quyết nhanh chóng.
“TP.HCM cần có đơn vị độc lập để đánh giá lại đề xuất này. Nếu có trễ cũng không thể kéo dài ba năm, cùng lắm chỉ cho dự án kéo dài khoảng một năm trở lại” - ông Sơn nhận định.
Ông Sơn góp ý các bên cần tính toán, xem xét để đưa ra giải pháp hợp lý nhất. Chẳng hạn, trường hợp không có nhân sự thì có thể thuê nhân sự nước ngoài vận hành, cho người theo học, chuyển giao công nghệ tại chỗ. “Còn nếu dự án cứ tiếp tục chậm tiến độ sẽ gây đội vốn, gây kẹt xe và tác động không nhỏ đến đời sống, kinh tế - xã hội” - ông Sơn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng Khoa kỹ thuật giao thông ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng đánh giá nếu dự án metro số 1 tiếp tục bị chậm sẽ ảnh hưởng đến hệ thống giao thông TP.HCM. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn về mặt giao thông, ùn tắc và ảnh hưởng về kinh tế của TP.
Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai, nếu lý do là ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì tất cả dự án khác cũng bị ảnh hưởng. Theo đó, Nhà nước cần tính toán để đưa ra giải pháp vì nếu tiếp tục chậm tiến độ thì sẽ tiếp tục đội vốn dẫn đến nhiều hệ lụy khác.•
Đã 14 năm thực hiện dự án
Tuyến metro số 1 bắt đầu được thực hiện từ tháng 3-2007. Theo tiến độ được duyệt, dự án hoàn thành xây dựng vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành năm 2018.
Tuy nhiên, do việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng gói thầu số 2; phân chia gói thầu số 1 thành gói thầu số 1a và gói thầu số 1b; xử lý tình huống đấu thầu của gói thầu số 3 và gói thầu số 1b; thay đổi quy trình thẩm tra, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán; xây dựng cơ chế riêng về thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán đối với các dự án đường sắt đô thị... đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Theo đó, UBND TP.HCM đã phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện của dự án với thời gian hoàn thành vào năm 2019 và đưa vào khai thác vận hành đầu năm 2020. Sau các kiến nghị của chủ đầu tư, UBND TP.HCM tiếp tục điều chỉnh thời điểm hoàn thành công trình đưa vào khai thác trong quý IV-2021.
Đến nay dự án một lần nữa phải điều chỉnh thời gian khai thác, dự kiến là cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Theo Đào Trang (Pháp Luật TPHCM)