Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, ngày 4/7, phóng viên Tiền Phong nêu câu hỏi đối với đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc lãi suất liên tục giảm nhưng dư nợ tín dụng lại rất thấp, thậm chí dư luận nói rằng "ế tiền". Đề nghị đại diện NHNN cho biết rõ hơn tình trạng này, nguyên nhân vì sao? Phải chăng có nghịch lý là doanh nghiệp cần tiền nhưng không đủ điều kiện vay còn doanh nghiệp đủ điều kiện vay lại không muốn vay!
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm đến nay hạ 4 lần hạ lãi suất. Tuy nhiên, đến nay, dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%. Trong khi, chỉ tiêu đề ra là tăng trưởng tín dụng năm 2023 phải đạt từ 14- 15%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% và kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%.
Theo ông Tú, đây là nghịch lý, vì khi lãi suất tăng cao thì tín dụng có thể tăng trưởng âm, ngược lại lãi suất hạ thì lẽ ra tín dụng sẽ tăng. "Nhưng ở đây rõ ràng đang xảy ra tình trạng, tăng trưởng tín dụng chậm, trong khi lãi suất lại giảm nhanh", Phó Thống đốc NHNN nêu vấn đề.
Từ góc độ quản lý, điều hành cũng như thực tế của nền kinh tế, ông Tú nêu ra ba nguyên nhân chính để giải thích cho nghịch lý trên.
Thứ nhất, tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, dẫn đến tín dụng cũng không thể tăng cao được.
Thứ hai, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều. Cùng với đó, thị trường bất động sản chưa sôi động trở lại; nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội, dù NHNN tạo điều kiện về tín dụng.
Thứ ba, những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tiếp cận tín dụng. “Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh có thể trả nợ được, trong khi nguyên tắc tối thiểu ngân hàng cho vay phải thu được nợ. Ngược lại, có doanh nghiệp, ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay”, ông Tú thông tin.
Theo Phó Thống đốc NHNN, đây là những nguyên nhân trực tiếp tạo ra những "khác thường" so với mọi năm, khi lãi suất giảm mà tín dụng chưa tăng được nhanh.
Tuy nhiên, ông cho biết cùng với đồng loạt các chính sách khác mà Chính phủ đang triển khai, thời gian tới các ngân hàng sẽ tính toán bảo đảm được an toàn tối thiểu cho mình và cắt giảm những chi phí cần thiết có điều kiện hạ lãi suất, cũng như cắt giảm các loại phí.
Bên cạnh đó, tiếp tục xem xét các đối tượng, lĩnh vực để cùng với các bộ, ngành có những chính sách đồng bộ, như giãn, hoãn, tái cơ cấu các khoản nợ hiện nay.
Theo Văn Kiên (Tiền Phong)