Năm 2020, dịch COVID-19 đã phủ bóng đen lên khắp toàn cầu, tạo ra cuộc khủng hoảng chưa từng có dẫn đến những thách thức về kinh tế, tài chính và xã hội. Bất chấp các thách thức này, Việt Nam được định vị là một trong 100 thương hiệu có giá trị nhất trên thế giới.
Chống dịch COVID-19 tốt
Mới đây, Brand Finance (Anh), hãng chuyên định giá thương hiệu quốc tế, cho biết trong năm 2020, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 319 tỉ USD, tăng 29% so với năm 2019 - mức tăng nhanh nhất thế giới. Nhờ đó, giá trị thương hiệu Việt Nam đã tăng chín bậc so với cùng kỳ và đạt thứ hạng 33 trên thế giới.
Giá trị thương hiệu Việt Nam tăng mạnh nhờ vào việc phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả. Đặc biệt, Việt Nam nổi lên trở thành điểm đến hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á về sản xuất và nơi hấp dẫn các tập đoàn đa quốc gia, nhất là từ Mỹ đặt nhà máy sản xuất để tái định vị nguồn cung trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa hạ nhiệt.
Sự hội nhập ngày càng sâu rộng và hiệu quả của Việt Nam với kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại quan trọng cũng là điểm cộng cho giá trị thương hiệu nước ta.
“Một thương hiệu quốc gia mạnh sẽ hấp dẫn rất lớn với đầu tư, gia tăng thêm giá trị xuất khẩu và giúp thu hút khách du lịch, các chuyên gia, giới kinh doanh. Sự trỗi lên của Việt Nam được thiết lập từ chính giá trị của Việt Nam. Giá trị này nằm ở một chương trình quốc gia được hoạch định để tập trung vào tăng trưởng kinh tế” - Brand Finance đánh giá.
Giới phân tích kinh tế cho rằng đây không phải là kết quả nhất thời mà được tích lũy trong nhiều năm liền. Đặc biệt trong khoảng bốn năm gần đây, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng khá vững chắc nhờ những nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, kim ngạch xuất khẩu gia tăng mạnh...
Trong một báo cáo xuất bản vào tháng 12 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng đánh giá bất chấp các biện pháp ngăn cách xã hội nghiêm ngặt và suy thoái toàn cầu chưa từng có, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 3% vào năm 2020. “Mặc dù hiệu suất này thấp hơn gần 4% so với kết quả của những năm trước nhưng Việt Nam vẫn nằm trong vùng tăng trưởng tích cực, trong khi nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ giảm ít nhất 4%” - World Bank nhận xét.
Không để già trước khi giàu
Ngày 31-12-2020, Bộ KH&ĐT kỷ niệm 75 năm thành lập. Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá ngoài những thành tựu nổi bật đạt được thời gian qua, đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Trong đó, nổi lên những thách thức chủ yếu như: bối cảnh thế giới tiếp tục bất định, nhất là tác động của đại dịch COVID-19 và những căng thẳng địa chính trị mà chúng ta phải đối đầu.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển có thể đuổi kịp nước giàu nhưng cũng đi kèm theo nhiều thách thức bị bỏ lại hoặc lệ thuộc lớn hơn vào nước giàu.
Thế và lực của nước ta mặc dù đã mạnh hơn trước nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều nút thắt vẫn chưa được khơi thông; nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn rất lớn, nhất là một số nhóm yếu tố, nhóm dễ bị tổn thương trước các biến động kinh tế.
Vấn đề nhân khẩu học, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội của nước ta…
“Cần tận dụng được cơ cấu dân số vàng để giàu trước khi già chứ không phải già trước khi giàu” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Chân Luận
Hội nhập hiệu quả, giỏi chống chịu trước cú sốc
Giá trị của Việt Nam cũng thể hiện rất rõ qua đánh giá của TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ông cho rằng nước ta đạt được nhiều thành tích đáng khâm phục như duy trì mức độ tăng trưởng dương suốt năm 2020 giữa bối cảnh dịch COVID-19 gây ra hiệu ứng đứt gãy các chuỗi cung ứng. Kinh tế vĩ mô ổn định đã tạo dư địa cho các chính sách tài khóa, tín dụng chủ động hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
“Đây cũng là bệ đỡ rất quan trọng để chúng ta có thể vững vàng, ổn định đất nước, kiên cường chống chịu và duy trì tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn” - ông Thiên bình luận.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Thành, Trường ĐH Fulbright Việt Nam, phân tích: Trong năm 2020, chỉ duy nhất có Việt Nam là nền kinh tế có bốn quý liền tăng trưởng dương, còn lại đa số nền kinh tế tăng trưởng âm 2-3 quý. Ngay cả các nước như Trung Quốc cũng mất một quý tăng trưởng âm.
“Đáng chú ý, chính sự mở rộng và đa dạng hóa hội nhập của Việt Nam đã giúp Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu trong khi các nước xuất khẩu suy giảm. Bởi vì Việt Nam có một thị trường xuất khẩu đa dạng, bổ trợ lẫn nhau khi thị trường này giảm thì có thị trường khác tăng bù đắp vào. Đây chính là lợi thế của đa dạng hóa rủi ro” - TS Nguyễn Xuân Thành nhìn nhận.
Thách thức phía trước không ít
Việt Nam đang trở thành điểm tựa niềm tin và nơi đến an toàn của các nhà đầu tư quốc tế trên hành trình chuyển dịch làn sóng đầu tư có trách nhiệm và bền vững toàn cầu. Bà Châu Tạ, Chủ tịch Phòng Thương mại Úc-ASEAN, nhìn nhận từ trước khi đại dịch bùng phát, Việt Nam đã là một điểm sáng trên bản đồ đầu tư và nhiều nhà đầu tư lớn đã đến Việt Nam.
“Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, ngoài chống dịch tốt, ổn định chính trị và kinh tế là điểm cộng khi cân nhắc đưa ra quyết định đầu tư ở nước ngoài và đây là lợi thế mà Việt Nam đang sở hữu” - bà Tạ phát biểu.
Tuy nhiên, TS Trần Đình Thiên nhìn nhận nhà đầu tư nước ngoài vào giúp Việt Nam được lợi về ngân sách, về việc làm, về quản trị... Song việc làm chất lượng thấp, vì Việt Nam chưa chuẩn bị đủ lao động chất lượng cao để hấp thụ những tập đoàn đa quốc gia.
“Chúng ta thấy tạo được việc làm là sướng rồi, vì trong ngắn hạn lúc nào vấn đề việc làm cũng bức bách nhưng về mặt dài hạn, điều đó rất nguy hiểm. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thực sự đóng góp tốt nhưng đáng lẽ còn đóng góp mạnh hơn, tốt hơn cho Việt Nam rất nhiều” - ông Thiên nhìn nhận.
Đồng quan điểm, giới chuyên gia kinh tế cho rằng dù có nhiều tín hiệu tích cực từ dòng vốn đầu tư nước ngoài nhưng Việt Nam có ít lợi thế hơn so với các quốc gia khác như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia…
Bởi vậy, để thu hút được các tập đoàn lớn, dòng vốn chất lượng cao thì Việt Nam vẫn còn nhiều việc cần phải làm ngay. Đó là quan tâm hơn đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; tăng tính minh bạch, tính ổn định của hệ thống pháp luật về đầu tư; đầu tư nhiều hơn cho công nghiệp phụ trợ; xóa các khoản chi phí không chính thức.
Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới
Tại lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành, 31-12-2020, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định đất nước ta đã vững bước trên con đường đổi mới, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng.
Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỉ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới; GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD.
Tổng cục Thống kê cũng cho hay mức tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Cụ thể, năm 2020, GDP của Việt Nam tăng 2,91%, bất chấp dịch COVID-19 gây suy thoái cho kinh tế thế giới.
Đáng chú ý, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 19,1 tỉ USD. Đây là mức cao nhất trong năm năm xuất siêu kể từ năm 2016.
Nhiều tập đoàn đầu tư tại Việt Nam
Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, nhận xét chính sự hỗ trợ rất tốt của Chính phủ Việt Nam trong đại dịch đã giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động một cách ổn định.
“Cũng nhờ điều này, nhiều tập đoàn Hàn Quốc tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam. Các hãng điện thoại hàng đầu của Hàn Quốc như Samsung, LG mới đây liên tục công bố các khoản đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam là điển hình” - ông Hong Sun nói.
Theo Phương Minh (Pháp Luật TPHCM)