Lý do Bộ Công Thương xin tiếp tục xuất khẩu gạo

25/03/2020 15:05:44

Thứ trưởng Công Thương giải thích việc đề nghị cho tiếp tục xuất khẩu gạo, mặc dù trước đó Bộ này đã kiến nghị tạm dừng là do số liệu đã nhận được 'vênh' so với số liệu thực tế. Do đó, Bộ đề xuất xin được tiếp tục xuất khẩu gạo.

Sáng 25/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trả lời báo chí về lý do mà Bộ xin Thủ tướng cho tiếp tục xuất khẩu gạo. 

Nói về lý do Bộ Công Thương có văn bản đề xuất cho tiếp tục xuất khẩu gạo sau "lệnh" tạm dừng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay: ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhu cầu nhu yếu phẩm, nhất là gạo, tăng cao trên thế giới. Một số nước đã tăng dự trữ gạo.

Trong 2 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đã đạt 930.000 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó một số thị trường có mức tăng tương đối mạnh. Giá cả trong nước cũng có biến động theo chiều hướng chung, tăng từ 20-25% tùy theo từng chủng loại thóc cũng như là lúa gạo.

"Đứng trước tình hình này nếu như xuất khẩu gạo, an ninh lương thực trong tháng 3 có thể đối mặt rủi ro là thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước", ông Khánh nói. "Vì vậy chúng tôi đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số đề xuất, cân nhắc một số phương án, trong đó có phương án tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo, phương án nữa là xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo".

Sau khi cân nhắc, lắng nghe ý kiến của các bộ ngành, Thủ tướng đã kết luận hoãn xuất khẩu gạo đến cuối tháng 5.

Ông Khánh nhấn mạnh tạm hoãn xuất khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường. Ông Khánh cũng nói đây là tạm giãn chứ không phải dừng xuất khẩu.

Nói về lý do lại tiếp tục xin xuất khẩu, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết đã nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong đó có độ vênh về số liệu.

Theo đó, số liệu gạo sản xuất, dự trữ và xuất khẩu mà Bộ Công Thương nắm được đã có độ vênh nhất định so với thực tế, đặc biệt là sản lượng tại đồng bằng sông Cửu Long và lượng tồn kho trong dân.

Lý do Bộ Công Thương xin tiếp tục xuất khẩu gạo
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Theo đại diện Bộ Công Thương, trước đây lượng gạo sản xuất, lượng gạo ký hợp đồng gạo tồn kho chúng ta nắm rất chắc thông qua Hiệp hội lương thực Việt Nam. Tuy nhiên sau khi có Nghị định 107/2018/NĐ-CP, không còn số liệu này nữa, tự do hóa hoàn toàn. Doanh nghiệp không phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu, không phải thông báo về số lượng đã ký hợp đồng, đã xuất khẩu, số liệu tồn kho... cho nên xuất hiện độ vênh số liệu.

Xuất phát trên tinh thần đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đã báo cáo lại Thủ tướng đề nghị cho phép kiểm tra lại một lần nữa số lượng tồn kho trong dân, số lượng tồn kho ở các doanh nghiệp, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký "có thể không lớn như chúng ta dự kiến". Sau khi báo cáo lại, Thủ tướng chính phủ sẽ xem xét, quyết định.

Trước đó, tại cuộc họp của thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lượng thực trong dịch Covid-19 ngày 23/3, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo.

Một lý do khác được đưa ra là góp phần ổn định giá gạo trong nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý và yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn việc tạm dừng xuất khẩu gạo.

Sau đó, Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng các loại gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24/3, đồng thời giải quyết thủ tục thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước thời điểm trên.

Tổng cục Hải quan đưa mặt hàng gạo vào diện cấm xuất khẩu.

Tuy nhiên, chiều 24/3, Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo.

Bộ này nêu lý do sau khi tiếp nhận phản ánh của một số doanh nghiệp, Bộ Công Thương nhận thấy cần có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế, các hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế của các doanh nghiệp.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục mở tờ khai hải quan, cho xuất khẩu gạo bình thường.

HL (Nguoiduatin.vn)