Sau giờ nghỉ giải lao của Hội đồng tiền lương Quốc gia, những đề xuất mới của các bên dần hé lộ. Theo nguồn tin từ các bên, dù đã có sự nhượng bộ nhất định nhưng khoảng cách khác biệt giữa các đề xuất tăng lương vẫn khá lớn, khó có thể đạt được điểm chung trong buổi sáng nay.
Theo một thành viên cuộc họp cho biết, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Mai Đức Chính nhận định, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 không thể thấp hơn năm ngoái (mức tăng 7,3%). Ông Mai Đức Chính cũng nêu ra những quy định pháp luật làm căn cứ đưa ra mức tăng đề xuất của Tổng LĐLĐ VN.
Bên cạnh mức đề xuất tăng 13,3% như ban sáng, ông Mai Đức Chính bất ngờ đưa ra phương án thứ 2. Theo đó nếu lộ trình kết thúc vào năm 2019 thì mức tăng phải là 10%.
“Mức tăng lương tối thiểu không thể thấp hơn mức tăng của năm 2017” - ông Mai Đức Chính khẳng định.
Đại diện giới chủ: Nhiều đề xuất khác nhau
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc điều chỉnh lương tối thiểu năm 2018 là cần thiết. Nhưng các bên cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp bởi nhiều khó khăn hiện tại. Đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, giày da, thủy sản, điện tử…
“Cần thiết điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng. Nhưng nếu tăng cao, nguy cơ doanh nghiệp phải điều chỉnh cơ cấu, cắt giảm lực lượng lao động, tăng số lượng thất nghiệp...” - ông Hoàng Quang Phòng nói.
Ông Hoàng Quang Phòng đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 chỉ ở mức 1-2%. Trong khi đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 5%.
Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia: 4 phương án mới
Trong khi đó, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuât 4 phương án mới để các bên tham khảo. Theo đó, mức điều chỉnh năm 2018 thấp nhất là 5% và cao nhất là 8% theo các phương án sau:
Phương án 1, tăng mức lương tối thiểu từ 130.000 - 180.000 đồng, tương đương 4,8 - 5,2% (bình quân 5%).
Phương án 2, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 160.000 – 220.000 đồng, tương đương 5,9 - 6,2% (bình quân 6%).
Phương án 3, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 180.000 – 250.000 đồng, tương đương 6,6 - 7,0% (bình quân 6,8%, bằng mức điều chỉnh phương án 1 và cải thiện thêm 1,8% theo mức đóng góp tối đa của lao động vào GDP).
Phương án 4, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 220.000 – 280.000 đồng, tương đương 7,5 - 8,5% (bình quân 8,0%).
Theo Hoàng Mạnh (Dân Trí)