Kiến trúc sư mê làm bánh
Chị Nguyễn Thị Bích Thủy vốn là kiến trúc sư cho công ty xây dựng lớn ở Hà Nội, với mức lương hàng ngàn USD/tháng. Tháng 6/2013, sau khi nghỉ sinh bé thứ nhất, chị bắt đầu học làm bánh. Ban đầu, mọi thứ chỉ mang tính tự phát nhưng rồi không biết từ lúc nào trở thành thói quen và niềm đam mê mãnh liệt trong chị.
9 tháng bầu bí, chị ở nhà tự học cách làm bánh thông qua các video trên mạng. Ban đầu, chị nghĩ đơn giản công việc này sẽ giúp bản thân giải tỏa được stress khi mang thai và biết đâu, có thể làm ra nhiều món ngon đãi cả nhà.
Khi ấy, phong trào tự học làm bánh nở rộ và phát triển mạnh mẽ trên mạng xã hội. Nhiều diễn đàn ra đời với mục đích chia sẻ kinh nghiệm và kết nối những người cùng chung sở thích. Tại đây, các thành viên sẽ hướng dẫn công thức, bí quyết để tạo ra sản phẩm cho nhau.
Thấy mọi người làm được nhiều loại bánh ngon, chị Thủy vô cùng thèm thuồng và ngưỡng mộ. Chị từng nghĩ rằng, những món bánh kia thường phải đặt mua ở cửa hàng chứ không thể tự làm tại gia. Nhưng, thực tế chứng kiến đã thôi thúc chị quyết tâm học làm bánh, song chưa bao giờ chị nghĩ đến chuyện sẽ nghỉ việc, chuyển nghề.
“Hồi đó, tôi phải dùng que đánh truyền thống khi đánh trứng nên bánh không được bông. Ông xã thấy vậy liền mua tặng một chiếc máy đánh trứng, đến giờ tôi vẫn nhớ nó có giá 267.000 đồng. Cũng chính món quà đó đã tạo động lực thúc đẩy niềm đam mê làm bánh”.
Có thêm dụng cụ mới, chị Thủy càng say mê hơn với công việc. Ngày nào, chị cũng mày mò sáng tạo ra nhiều loại bánh mới. Vốn là dân thiết kế nên sản phẩm của chị được đánh giá cao về khâu trang trí, vừa ngon lại độc, lạ.
Chị nhớ lại: “Tôi sống cùng bố mẹ ở Bắc Giang nên mỗi lần ra Hà Nội mua nguyên vật liệu phải đi mất hàng trăm cây số. Khi đó, các cửa hàng bán đồ làm bánh chỉ đếm trên đầu ngón tay chứ chưa phổ biến như bây giờ”.
Chị mang bánh đến cơ quan mời mọi người thưởng thức. Ai cũng khen bánh ngon, cả về chất lượng đến hình thức. Nhiều chị em, đồng nghiệp khuyên chị nên chụp ảnh, đưa lên mạng bán thử, nếu thành công thì có thể kinh doanh.
Ban đầu, chị Thủy làm thử bánh trung thu mới mục đích làm để ăn, nhưng khách lại đặt nhiều quá nên chị chuyển sang làm bán. Vụ trung thu năm đó chị bán được hơn 100 chiếc, mỗi cái giá 30.000-35.000 đồng. Bánh vừa ra lò đã hết nhẵn, nhiều người còn đến nhà chị ngỏ ý muốn lấy buôn.
Qua thời gian nghỉ sinh, chị đi làm trở lại và tiếp tục làm bánh. Nhưng càng ngày, lượng khách đặt mua càng đông khiến chị quá tải. Đôi lần chị nghĩ, hay bỏ việc để làm bánh nhưng khi nói ra điều này, gia đình chị ai cũng phản đối.
“Tôi làm thiết kế thu nhập trung bình cũng lên đến hàng ngàn USD/tháng, mỗi tháng tôi chỉ cần có 2-3 bản vẽ là sống tốt. Nhưng tôi nhận ra là mình không còn hứng thú với công việc như trước, có lẽ nên lựa chọn một hướng đi riêng”.
Đứng trước lựa chọn khó khăn, chị Thủy chọn cách nghỉ việc 1 năm không lương với lý do ở nhà chăm con thêm cứng cáp. Quãng thời gian này cũng để giúp chị suy nghĩ thêm về con đường sau này.
Vứt đi cả trăm lõi bánh, thức thâu đêm
Năm 2015, chị Thủy quyết định nghỉ việc chính thức ở công ty và về nhà mở xưởng làm bánh. Có thời gian, chị Thủy bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về cách làm bánh và tham gia một số khóa học nâng cao nghiệp vụ.
Tuy nhiên, bắt đầu tự kinh doanh, chị gặp khá nhiều khó khăn. Từ một kiến trúc sư, nay bà mẹ bỉm sữa như chị phải đóng nhiều vai cùng một lúc: từ việc làm bánh, giao hàng, dọn dẹp đến thống kê chi tiêu. Theo chị, số tiền lãi trong thời gian đầu không nhiều nhưng lại chính là kinh nghiệm quý báu cho quãng đường về sau. Và, làm bánh không chỉ cần năng khiếu mà cần phải có đam mê và sự nỗ lực không ngừng nghỉ.
Đối với chị, khó khăn lớn nhất của “dân ngoại đạo” là khi bắt đầu, bởi không được đào tạo bài bản, không được ai hướng dẫn mà chỉ men theo lối mòn để thực hành. Chỉ khi được học trực tiếp từ người làm nghề và trải qua vô số lần thất bại, mọi thứ mới dần vào nếp và suôn sẻ.
“Tôi không nhớ là mình đã phải đổ đi bao nhiêu cốt bánh để tạo ra một sản phẩm ưng ý và mất bao đêm thức trắng mày mò, tìm ra công thức riêng. Làm bánh yêu cầu phải rất tỉ mỉ, bởi sảy một ly là đi một dặm, sai một bước là cả chiếc bánh vứt đi” - chị tâm sự.
Ngoài ra, mẹ bỉm sữa còn đặt ra 3 nguyên tắc bất di bất dịch:
Thứ nhất, phải dùng nguyên liệu tốt nhất để làm bánh, không chạy theo lợi nhuận và cố giảm giá thành. Thứ hai ,với mỗi sản phẩm, đặc biệt là dòng bánh trang trí phải tạo ra sự đột phá về thiết kế và mang đậm dấu ấn cá nhân để khách hàng có thể nhớ mặt đặt tên. Thứ ba, phải thường xuyên sáng tạo ra các công thức để tự làm mới các sản phẩm và không bị tụt hậu về sau.
Khi đã đủ cứng cáp trong nghề, chị Thủy bắt đầu mở thêm các khóa học dạy làm bánh. Nguồn thu đến từ việc dạy học khá lớn, có khi còn vượt trội cả tiền bán sản phẩm. Mỗi tháng, chị dạy 10-15 lớp tối đa là 3 học viên, mỗi khóa kéo dài 2-3 ngày với mức học phí 1,5-2 triệu đồng/người. Không chỉ mở các lớp ở Hà Nôi, chị còn bố trí thời gian vào dạy trong TP.HCM.
Số tiền kiếm được bao nhiêu chị lại xoay vòng về đầu tư sản xuất, trong đó quan trọng nhất là mở xưởng chuyên nghiệp. Kết hợp với một người bạn trong nghề, các chị cùng nhau lên kế hoạch tỉ mỉ để phát triển thị trường, tìm nguồn tiêu thụ và định vị thương hiệu.
Hiện mỗi ngày, xưởng bánh chị có 30-35 đơn hàng sản xuất loại bánh hàng ngày với giá 50.000-55.000 đồng/chiếc, ngày cao điểm lên tới hơn 100 đơn. Trong đó, có những dòng bánh thiết kế theo yêu cầu giá 2-3 triệu đồng/hộp, chưa kể đến các dòng bánh sự kiện như sinh nhật, hội nghị cũng là mặt hàng chủ lực của xưởng.
“Tuần nào tôi cũng bỏ ra 2/3 thời gian để nghiên cứu công thức mới, kệ bánh lúc nào cũng có một vị đặc biệt để khách hàng có thêm sự lựa chọn”.
Theo Hoàng Dung (VietNamNet)