Vợ chồng chị Dịu, anh Tuấn quê Sóc Trăng, đang sinh sống ở quận 7, TP.HCM. Anh chị cưới nhau được hơn 2 năm. Chị Dịu làm nhân viên văn phòng với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm nhân viên kinh doanh, thu nhập trung bình khoảng 20 triệu đồng/tháng. Sau cưới, vợ chồng chị thuê một căn chung cư mini và lên kế hoạch ít nhất 2 năm nữa mới sinh con để có thời gian tập trung cho công việc.
Thu nhập 30 triệu đồng/tháng vẫn trắng tay
Tổng thu nhập 30 triệu đồng/tháng đối với vợ chồng son như chị Dịu được xem là khá cao. Tuy nhiên, chị Dịu cho hay, hàng tháng nhận lương hai vợ chồng chi tiêu hết, chẳng để tích lũy được đồng nào.
Cụ thể, các khoản tiêu của vợ chồng chị Dịu như sau:
Du lịch, giải trí: 7 triệu
Chị Dịu kể, hai vợ chồng chị đều ham di chuyển, có thời gian là anh chị lại đặt vé đi chơi. Nghỉ ngắn ngày thì đi gần, kỳ nghỉ lễ dài ngày thì đi xa.
“Vợ chồng mình ham vui, tranh thủ thời son rỗi để trải nghiệm cuộc sống. Trung bình 3 tháng, 2 vợ chồng sẽ đi một chuyến với chi phí khoảng 10 triệu. Một năm, vợ chồng đi nghỉ mát 2 lần, Tết Dương lịch nhận thưởng sẽ đi du lịch nước ngoài trong tầm 30 triệu”, chị Dịu kể.
Tuy nhiên, tới đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động thăm quan du lịch bị hạn chế, vợ chồng chị Dịu dùng tiền này đổi xe mới cho cả hai, hết tổng cộng 90 triệu đồng.
Tiền ăn: 6 triệu
Là vợ chồng son chưa vướng bận con cái, lại sống xa bố mẹ nên anh chị rất hay ăn hàng, thường xuyên rủ bạn bè tụ tập ăn uống. Nhiều khi vợ chồng đã nấu cơm rồi, nhưng nổi hứng lên lại cất đồ ăn vào tủ lạnh rồi đưa nhau ra ngoài đổi gió. Mặc dù không phải hôm nào cũng ăn đồ đắt tiền, có khi mỗi bữa chỉ hết 100.000-150.000 nghìn nhưng cả tháng cộng lại cũng hết 6-7 triệu.
Mỹ phẩm, làm đẹp, mua sắm quần áo: 4 triệu
Là tín đồ thời trang, nghiện sắm đồ qua mạng, chị Dịu thường mua sắm theo cảm hứng, không có kế hoạch cụ thể. Trong đó, chị chi khoản cố định 2 triệu đồng tới spa chăm sóc da, 2 triệu còn lại để mua sắm quần áo.
Đầu tư cho công nghệ: 3 triệu
Nếu chị Dịu là tín đồ của thời trang mua sắm thì chồng chị lại rất đam mê công nghệ. Một năm, vợ chồng chị bỏ ít nhất khoảng 25-30 triệu mua điện thoại hoặc nâng cấp các trang thiết bị máy móc trong nhà. Anh chị coi đó là một nhu cầu thiết yếu.
Tiền nhà, điện nước: 5 triệu
Các khoản đối nội đối ngoại, xăng xe, cà phê: 5 triệu
Nhận thấy chi tiêu như vậy thoáng tay, song vì đã quen nên chị Dịu cho hay, nhiều lúc cũng tự nhắc nhở bản thân nên tiết kiệm nhưng hầu như không thực hiện được. Đã có lần, chị ngồi lập bảng kế hoạch chi tiêu, bỗng nổi hứng đi chơi hoặc mua sắm là quên hết. Thành thử một năm sau cưới, hai vợ chồng không để ra được khoản tích lũy nào.
Ba tháng giãn cách trông chờ cứu viện ở quê
Tuy nhiên, từ khi TP.HCM giãn cách xã hội, vợ chồng chị Dịu đều phải nghỉ việc không lương, cuộc sống vô cùng khó khăn.
“Thực sự, mình chưa bao giờ tưởng tượng hai vợ chồng lại rơi vào cảnh thất nghiệp, không một đồng trong túi. Dịch bệnh xảy ra quá bất ngờ, lại không phòng bị nên cuộc sống bỗng chốc lao đao”.
Chị Dịu kể, nghỉ việc, trong tài khoản của hai vợ chồng chỉ còn đúng 10 triệu. Cũng may, tiền thuê nhà anh chị được giảm 50% nên phải chắt bóp mới đủ chi tiêu trong nửa tháng. Không còn cách nào, anh chị buộc phải gọi điện vay mượn bạn bè, người quen mỗi người một ít và cầu cứu bố mẹ dưới quê.
"Số tiền vay mượn vợ chồng mình không dám tiêu nhiều, chỉ mua những thứ thiết yếu, nộp tiền nhà, còn lại thì giữ lại phòng khi rủi ro, ốm đau. Riêng thực phẩm, rau cỏ mình gọi điện nhờ bố mẹ hai bên gửi lên, một tuần hoặc 10 ngày một lần", chị kể.
Gần 3 tháng nay, anh chị sống phụ thuộc vào nguồn viện trợ của người thân. Vì thế, khi nhận đồ tiếp tế, chị Dịu phải sử dụng hết sức tiết kiệm, dè sẻn. Thực phẩm chị phải chia thành từng phần, ứng với từng ngày để không bị thiếu.
“Tới lúc rơi vào tình cảnh khó khăn, thiếu thốn mình mới thấy hối hận vì trước đó không biết tiết kiệm, phòng khi ốm đau, hoặc gặp biến cố. Đây được xem là bài học đắt giá cho vợ chồng mình”, chị Dịu chia sẻ.
Câu chuyện của vợ chồng Dịu là thực tế nhiều bạn trẻ mắc phải. Theo các chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, hiện nay, thu nhập phần lớn vợ chồng trẻ thường ở mức 15-30 triệu đồng/tháng. Nhưng vì chi tiêu quá tay, nhiều gia đình trẻ không có bất cứ khoản dự phòng nào.
Theo tư vấn của các chuyên gia, mức thu nhập trên khá tốt và bạn trẻ hoàn toàn có tiền dư nếu biết cách tiết kiệm và tích lũy. Một cách phổ biến là, nếu biết duy trì bài học tích lũy 5 phần sau, vẫn có thể sống dư dả mà lại có khoản tiết kiệm đáng kể.
Quỹ ăn uống: 20% thu nhập
Quỹ điện thoại, xăng xe, chăm sóc người thân, mở rộng quan hệ: 30% thu nhập.
Quỹ đầu tư trí tuệ: 10% thu nhập.
Quỹ du lịch, giải trí: 10% thu nhập
Tích lũy dự phòng: 30% thu nhập
Theo Thu Giang (Giadinh.net.vn)