Bước vào đầu tháng 9/2018, hàng loạt ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn, đặc biệt là những kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất tăng cao.
Theo thống kê, nếu như mặt bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng, vào thời điểm đầu tháng 8/2018 ở mức từ 6,4-7,3%/năm, thì sang tháng 9 đã tăng lên mức 6,5%-8%/năm. Trong đó, các ngân hàng thương mại cổ phần có mức lãi suất dâng cao hơn cả, từ 7,6-8%/năm.
Lãi suất tiết kiệm tăng là tin vui cho những người gửi tiền, nhưng lại là nỗi bất an với những ai mua ô tô bằng vốn vay từ ngân hàng.
Đến nay, hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam đều có dịch vụ cho vay tiền mua xe. Mỗi ngân hàng có những gói vay vốn khác nhau, khách hàng thường được ưu đãi lãi suất trong 6 tháng, hoặc 12 tháng đầu, từ 6,8-9%/năm. Hết thời hạn này, các ngân hàng thường áp dụng mức lãi suất cơ sở, cộng với biên độ từ 3,8%-4,5%/năm. Mức lãi suất cơ sở nhiều ngân hàng đang áp dụng là lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng. Như vậy, khi lãi suất tăng thì người vay tiền mua ô tô hết thời hạn ưu đãi sẽ chịu thêm thiệt thòi.
Không ít người cho rằng vay ngân hàng là con đường nhanh nhất để sở hữu “chiếc xế hộp” mình yêu thích.
Thống kê từ một số đại lý ô tô cho thấy, hiện có trên 40% số khách hàng mua ô tô có vay vốn từ các ngân hàng. Đối tượng vay không chỉ là những người có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng, mà ngay cả những người có mức thu nhập thấp hơn cũng vay mua ô tô.
Đến nay, khi lãi suất tăng, đương nhiên khoản trả nợ vay mua ô tô hàng tháng cũng theo đó mà tăng lên. Theo tính toán, cứ lãi suất tăng thêm 1 điểm % thì với khoản vay 100 triệu đồng, sẽ phải trả lãi thêm 1 triệu đồng/năm. Với những khách hàng vay khoản lớn, tới 80% hay 90% giá trị xe thì chi phí trả nợ ngân hàng hàng tháng sẽ tăng.
Chẳng hạn, khách hàng vay 500 triệu đồng mua ô tô, lãi suất ưu đãi mức 8,5%/năm, trong 12 tháng đầu. Như vậy, trong năm đầu tiên, tính cả gốc và lãi phải chi trả khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đến nay lãi suất tăng lên mức 12% thì số tiền phải trả hàng tháng sẽ tăng lên trên 12 triệu đồng.Với những khách hàng có thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng, mua ô tô thông qua vay vốn ngân hàng, sẽ ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của gia đình.
Theo dự báo của giới tài chính, lãi suất tiết kiệm tại Việt Nam có thể sẽ còn tăng trong thời gian tới. Một trong những nguyên nhân đẩy lãi suất tiết kiệm tăng là do đồng USD trong xu hướng tăng giá. Vì vậy, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động VND để tránh việc khách hàng rút tiền đồng đầu cơ vào USD.
Thời gian qua nhu cầu vay vốn mua ô tô tăng nhanh. Các ngân hàng cũng đưa ra nhiều gói sản phẩm cho vay mua ô tô cả mới lẫn cũ, với lãi suất hấp dẫn, giải ngân nhanh,... Nhưng trong “ván bài” vay tiền mua ô tô, khách hàng luôn là người chịu thiệt thòi, với những rủi ro tiềm ẩn, còn ngân hàng là bên “nắm đằng chuôi”.
Từ nay đến cuối năm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), có thể sẽ tăng lãi suất USD thêm 2 lần nữa, vào tháng 9 và tháng 12. Khi đó, lãi suất tiết kiệm tại Việt Nam cũng sẽ tăng theo. Nếu vậy, những khách hàng mua ô tô, từ vốn vay ngân hàng, sẽ còn phải lo thêm khoản tiền trả nợ, do lãi suất tăng.
Lãi suất tăng thì khách hàng phải trả thêm tiền, ngân hàng chẳng có gì phải lo lắng, cứ yên tâm hưởng. Không những thế, mỗi ngân hàng thương mại lại quy định mức lãi suất cơ sở khác nhau. Trường hợp lấy mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng làm lãi suất cơ sở thì mỗi ngân hàng cũng có nhiều mức lãi suất khác nhau.
Ví dụ, lãi suất áp dụng cho số tiền huy động dưới 100 triệu đồng chỉ là 7,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, nhưng với số tiền trên 5 tỷ đồng là 8%. Khách hàng sẽ chịu thiệt khi ngân hàng áp mức lãi suất cao (dành cho khoản huy động khủng) với cho vay mua ô tô.
Trong các gói cho vay của ngân hàng thì cho vay mua ô tô được cho là an toàn cao do có tài sản đảm bảo là chiếc xe. Giấy tờ xe do ngân hàng nắm giữ, cho đến khi nào người vay trả hết nợ mới được nhận lại giấy này. Trường hợp khách không đủ khả năng trả nợ, ngân hàng sẽ thu luôn xe.
Trên thực tế, sau khi “rước” về chiếc xe yêu thích, nhiều gia đình phải đối mặt với các khoản tiền phải chi trả. Có gia đình phải oằn lưng lo cho chiếc xe, không đủ tiền sinh hoạt hàng tháng.
Theo Trần Thủy (VietNamNet)