Tết đến vẫn lo tìm nguồn trả 50% lương
Mấy năm gần đây, khi các dự án giao thông được phân quyền cho địa phương quản lý thì các PMU giao thông thuộc Bộ GTVT rơi vào tỉnh cảnh lao dốc không phanh. Các PMU giao thông lừng lẫy một thời với các “siêu dự án” trăm tỷ, thậm chí ngàn tỷ thì nay rơi vào tình cảnh khó khăn do thiếu việc làm.
PMU2, tiền thân từ PMU18 là đơn lừng lẫy một thời nhưng lại đang rơi vào cảnh khó khăn chồng chất. Từ 2 lần lương cơ bản vào năm 2012, rồi xuống 1 lần vào năm 2016, thu nhập hàng tháng của người lao động năm 2018 chỉ được tạm ứng 50% lương cơ bản.
Thậm chí từ đầu năm 2018 đến nay do ít việc nên đơn vị này đã động viên cán bộ tại những phòng ít việc nghỉ không lương.
Một cán bộ PMU2 cho hay, do ít việc nên thu nhập của anh em thậm chí chỉ đủ tiền ăn sáng và đổ xăng xe đi làm.
Được biết, ngay trong dịp Tết này, lãnh đạo PMU2 đang phải cố xoay xở để có thể trả 50% lương cơ bản cho cán bộ, công nhân viên, cùng khoản thưởng Tết 1 triệu đồng/người.
Ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc PMU2 chia sẻ: “Tình hình khó khăn nhưng chúng tôi cố gắng động viên mọi người đoàn kết vượt qua giai đoạn này”.
Với PMU6 tình hình cũng không khá hơn, Giám đốc Nguyễn Hữu Long cho biết, lương bình quân của cán bộ, công nhân viên tại ban chỉ 7 triệu đồng/tháng và ban cố gắng giữ được mức này là cả nỗ lực, vì thực tế đơn vị rất “đói” việc.
“Hiện nay ngoài dự án cao tốc Bắc - Nam đang chọn nhà thầu tư vấn và một vài gói thầu nhỏ với nguồn thu vài trăm triệu nên chúng tôi cũng rất khó khăn”, ông Long thành thật.
Theo Công đoàn GTVT, trong năm 2018 thu nhập bình quân của người lao động tại các DN thuộc khối DN cổ phần nhà nước không chi phối chỉ đạt 6,8 triệu đồng/người/tháng, trong đó “đáy” rơi vào các DN sửa chữa đường bộ với mức lương bình quân chỉ vỏn vẹn 4,8 triệu đồng/người.
Tại thời điểm giữa tháng 1/2019, hầu hết các đơn vị trong khối này mới trả lương đến tháng 10/2018, tạm ứng lương đến tháng 11/2018.
Một số đơn vị chỉ trả được lương đến tháng 8/2018, thậm chí nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội kéo dài gây khó khăn cho người lao động như các đơn vị thuộc Cienco1, Cienco5, Cienco8…
Khó khăn chồng chất
Với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), năm vừa qua vẫn tiếp tục là một năm khó khăn. Ông Cao Thành Đồng, quyền Tổng giám đốc SBIC cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn là một bức tranh với nhiều gam màu tối, khi tổng doanh thu chỉ đạt 2.887 tỷ đồng (bằng 75% kế hoạch năm); lợi nhuận trước thuế là âm 3.624,5 tỷ đồng (chủ yếu là khoản lỗ do chi phí tài chính gồm lãi vay cũ và chênh lệch tỷ giá).
So với năm 2018, tổng số lao động của SBIC chỉ còn 6.328 người, giảm 1.158 người so với năm trước, nhưng không vì thế mà thu nhập của người lao động khấm khá hơn bởi mức lương bình quân cũng chỉ đạt 7,79 triệu đồng/tháng, không đạt kế hoạch đề ra (8,05 triệu đồng).
Đối với khối các DN đang nằm chờ tái cơ cấu như CPH, phá sản, giải thể của SBIC khó khăn lại càng chồng chất. Tại một số đơn vị, người lao động đi làm trong thời gian dài 1-2 năm nhưng chưa nhận được bất kỳ đồng lương nào dẫn đến cuộc sống vô cùng khó khăn và bế tắc.
Đặc biệt, do DNnợ tiền BHXH khiến người lao động khi ốm đau không được hưởng chính sách bảo hiểm ngắn hạn và BHYT như quy định.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công đánh giá, năm 2019 tiếp tục là một năm khó khăn với ngành đóng tàu nói chung, SBIC nói riêng do thị trường đóng tàu vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Trong khi đó, SBIC vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính, với những thay đổi về nhân sự…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Công cho biết, dù khó đến mấy lãnh đạo SBIC cũng phải vận dụng mọi nguồn lực có thể để chăm lo Tết, không được để người lao động nào không có Tết, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Vũ Điệp (VietNamNet)