Nhiều nơi, giá ngói bị đẩy lên cao gấp nhiều lần so với bình thường, các loại ngói ngày thường khoảng 8 nghìn đồng đến 12 nghìn đồng/viên nay bị đẩy lên từ 22 nghìn đến 70 nghìn đồng. Một số nơi, tôn cũng bị thổi giá lên cao do bị khan hiếm cục bộ. Nhiều người dân vừa bị thiệt hại trong bão lũ đã xót xa che bạt, buộc dây lạt tạm để chống gió mưa vì không đủ tiền để lợp lại nhà.
Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh có một số chia sẻ như sau:
Thứ nhất, nhu cầu về ngói, tôn đang tăng cao nên dẫn đến khan hiếm cục bộ; các cửa hàng xây dựng lợi dụng tình trạng khan hiếm nêu trên để tăng giá ngói, tôn lên cao ngất ngưởng lúc này là vi phạm pháp luật, trái với tinh thần "tương thân tương ái" của dân tộc ta.
Thứ hai, căn cứ vào khoản 5 Điều 3, khoản 3 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, cá nhân có hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng (trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng).
Đồng thời, theo khoản 7 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.
Điều 12. Hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin giá hàng hóa, dịch vụ
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật;
b) Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần; tái phạm;
b) Niêm yết giá không đúng giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh Mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Khoản 5 Điều này.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật ngoài hình thức niêm yết giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, kê khai giá.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.
6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không công khai về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 5 Điều này, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.
Do đó, trong trường hợp phát hiện cửa hàng bán ngói, tôn, vật liệu xây dựng khác giá cao hơn bình thường thì người dân cần báo cho Cục quản lý thị trường để được xử lý kịp thời.
Theo LS Phạm Thanh Hữu (Pháp Luật & Bạn Đọc)