Lợi bất cập hại từ thói quen dùng tiền mặt của người Việt

18/04/2015 09:51:50

Từ lâu thanh toán bằng tiền mặt đã trở thành thói quen của người Việt Nam. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phát triển, cuộc sống cải thiện, phương thức thanh toán này ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm.

Từ lâu thanh toán bằng tiền mặt đã trở thành thói quen của người Việt Nam. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phát triển, cuộc sống cải thiện, phương thức thanh toán này ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm.
Thói quen khó bỏ
 
Theo khảo sát của cơ quan chức năng vào năm 2003, việc thanh toán bằng tiền mặt còn rất phổ biến trong nền kinh tế Việt Nam. Tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực doanh nghiệp và chiếm đại đa số trong các giao dịch thanh toán của khu vực dân cư.
 

Người Việt chưa có thói quen thanh toán, giao dịch qua thẻ

Tại 750 doanh nghiệp Việt Nam ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam thì các doanh nghiệp tư nhân có trên 500 công nhân có khoảng 63% số giao dịch của họ được tiến hành qua hệ thống ngân hàng; những doanh nghiệp có ít hơn 25 công nhân thì tỷ lệ này là 47%; với doanh nghiệp nhà nước mới chỉ hơn 80% giao dịch được thực hiện qua ngân hàng; hầu hết các doanh nghiệp cả nhà nước lẫn tư nhân đều trả lương bằng tiền mặt.

Tại các hộ kinh doanh thì 86,2% số hộ kinh doanh vẫn chi trả hàng hoá bằng tiền mặt; 75% số hộ kinh doanh chi trả dịch vụ bằng tiền mặt; 72% số hộ kinh doanh tư nhân nộp thuế bằng tiền mặt. Trong khi đó, số người sử dụng dịch vụ ngân hàng chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, lao động ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhân viên công sở có thu nhập cao và ổn định.

Từ năm 2001 đến nay, tỷ trọng tiền mặt được sử dụng trong thanh toán so với tổng phương tiện thanh toán năm 2001 là 23,7%; năm 2004 là 20,3%; năm 2005 là 19%; năm 2006 là 17,21%, năm 2007 là 16,36%, năm 2008 là 14,6%; tuy tỷ trọng hàng năm đã giảm nhưng còn ở mức cao hơn so với thế giới; tỷ trọng này ở các nước tiên tiến như Thụy Điển là 0,7%, Na Uy là 1%, còn Trung Quốc cũng chỉ ở mức là 10%.

Tuy những số liệu trên đây được thống kê từ cách đây hơn chục năm nhưng phần nào đã phản ánh được thực trạng sử dụng tiền mặt đã trở thành thói quen của người dân Việt Nam.

Một ví dụ điển hình trong cuộc sống về thói quen thanh toán, giao dịch bằng tiền mặt của người dân Việt Nam là khi đi siêu thị mua hàng, đa phần khách hàng không thanh toán bằng cách sử dụng thẻ ngân hàng mà tới cây ATM rút tiền và trở lại siêu thị để thanh toán.

Ngoài ra, nhiều người dùng tham gia giao dịch bằng tiền mặt một phần vì thói quen, phần khác vì chưa tin tưởng vào độ an toàn của giao dịch và chất lượng của hàng hóa, số còn lại rơi vào trường hợp chưa biết đến những tiện ích có thể thanh toán khi không dùng tiền mặt.

Nhược điểm của việc thanh toán bằng tiền mặt
 
Mặc dù thanh toán bằng tiền mặt từ lâu đã trở thành thói quen của người dân Việt Nam, tuy nhiên thực tế cho thấy phương thức thanh toán này còn tồn tại nhiều nhược điểm.

Thứ nhất, việc mang tiền mặt bên mình có ảnh hưởng trực tiếp tới người dân vì không an toàn, dễ bị trộm, cướp và tiền mặt dễ bị ảnh hưởng dưới tác động của mội trường (có thể rách, nát).

Thứ hai, các giao dịch, thanh toán bằng tiền mặt khiến Nhà nước phải bỏ ra một chi phí lớn trong việc in ấn, vận chuyển, kiểm đếm, bảo quản và thanh toán.

Thứ ba, việc người dân giữ tiền mặt bên mình làm cho một phần vốn của nền kinh tế không vận động, từ đó không thể sinh lời.

Thứ tư, thói quen này tưởng chừng vô hại nhưng lại khiến Nhà nước gặp khó khăn trong việc kiểm soát tiền tệ dẫn đến việc khó kiểm soát các hoạt động buôn lậu, rửa tiền, tham ô, tham nhũng và tạo điều kiện cho sự phát triển của hoạt động kinh tế ngầm.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
 
Thanh toán không dùng tiền mặt là phương thức thanh toán phổ biến ở một số quốc gia phát triển trên thế giới như Anh, Canada, Bỉ...Đây là phương thức thanh toán hàng hóa và dịch vụ không phát sinh sự chuyển giao tiền mặt giữa các chủ thể thanh toán.

Những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến trên thế giới hiện nay bao gồm: thẻ thanh toán, séc và tiền điện tử.

Thanh toán không dùng tiền mặt được giới tài chính và nhiều chuyên gia đánh giá là cách sử dụng tiền thông minh vì vừa tránh được những rủi ro trong quá trình vận chuyển tiền mặt lại vừa giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng và trơn tru hơn.

Ở Việt Nam hiện nay, các loại hình dịch vụ và phương thức thanh toán phát triển mạnh và đa dạng. Bên cạnh việc phát triển và mở rộng các phương thức truyền thống, như ủy nhiệm chi (lệnh chi), ủy nhiệm thu (nhờ thu); đồng thời vẫn có nhiều dịch vụ, phương thức mới, hiện đại, tiện lợi và tiện ích, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới như thẻ ngân hàng, Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking và ví điện tử.

Trong ba năm qua, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục được chính phủ chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả, tạo sự phát triển đồng bộ và bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động TTKDTM, phục vụ tốt cho việc cung ứng các dịch vụ, phương tiện TTKDTM mới, hiện đại.

Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo triển khai hoàn thành kết nối liên thông mạng lưới POS trên toàn quốc; xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển mạng lưới thanh toán thẻ qua POS giai đoạn 2014-2015. Trong năm 2013, có trên 28 triệu giao dịch và trên 120.700 tỷ đồng (tăng tương ứng 34% và 26% so với năm 2012, tăng 77% và 56% so với năm 2011), riêng giao dịch thanh toán hàng hóa và dịch vụ chiếm trên 91%.

Theo Kiều Hương (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật