Loay hoay với 'bom nợ' tỷ USD, bầu Đức vẫn nuôi giấc mơ vàng cho bóng đá Việt

16/12/2018 13:49:36

Nghẹn ngào xem clip bầu Thắng công kênh bầu Đức hô vang Việt Nam vô địch

Đội tuyển Việt Nam sẽ đối đầu với đội tuyển Malaysia trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 diễn ra vào tối nay (15.12) trên SVĐ Quốc gia Mỹ Đình. Cơ hội để HLV Park Hang-seo cùng Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường... giành chức vô địch AFF Cup 2018 sau 10 năm chờ đợi là rất lớn. Trong số không nhiều người đóng góp vào thành công chung của bóng đá Việt Nam tính tới thời điểm này, không thể không nhắc tới ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức).

Loay hoay với 'bom nợ' tỷ USD, bầu Đức vẫn nuôi giấc mơ vàng cho bóng đá Việt
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai và ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đồng Tâm thuộc thế hệ những ông bầu đầu tiên của bóng đá Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Bầu Đức và 2 thập kỷ gắn bó với bóng đá Việt Nam

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) là một trong số ít ông bầu còn lại từ thuở bóng đá Việt Nam chuyển mình “lên chuyên” cách đây gần 20 năm. Đó là thời điểm nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho bóng đá, và bóng đá Việt Nam có những ông bầu - doanh nhân như ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), ông Trần Đình Long (bầu Long), ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng)... 

Nhưng rồi sau năm tháng “oằn mình” với bóng đá chuyên nghiệp trong vai một người chơi, mà đôi khi chiến thắng cũng chẳng phải lúc nào cũng vui, và cũng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, lần lượt bầu Long, bầu Kiên, rồi tới bầu Thắng lặng lẽ bỏ bóng đá.

Còn với ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), dù kết quả kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) có những lúc thăng trầm, song xuyên suốt quá trình gần 2 thập kỷ gắn bó với bóng đá, bằng nhiều cách khác nhau, bầu Đức vẫn có những đóng góp cho bóng đá Việt Nam.

Từ một người luôn khiến mọi người bất ngờ với độ chịu chơi và cách đầu tư làm bóng đá có phần “ăn xổi” khi đưa Kiatisak về chơi cho HAGL ở giải hạng Nhất vào năm 2002. Rồi tiếp tục chi hàng trăm tỷ đồng để đưa Kesley Alves, Thonglao, Lee Nguyễn về HAGL sau 2 năm liên tiếp vô địch V-league. Bầu Đức sau đó đã có sự thay đổi khi quyết tâm “xây nhà từ móng” với việc đầu tư đào tạo bóng đá trẻ. Năm 2007, ông sẵn sàng đốn 5 hecta cao su đang cho thu hoạch để xây dựng học viện HAGL-Arsenal JMG.

Để rồi sau 10 năm, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn… từ những cậu bé 10, 11 tuổi, dần góp mặt trong đội hình các đội tuyển quốc gia Việt Nam, tranh tài ở các giải đấu lớn trong khu vực và châu lục.

Loay hoay với 'bom nợ' tỷ USD, bầu Đức vẫn nuôi giấc mơ vàng cho bóng đá Việt - 1
Bầu Đức mỗi tháng đều đặn chi ra số tiền khoảng 700 triệu đồng cho VFF để trả lương và thuế cho HLV Park Hang-seo dần được báo chí chia sẻ với nhiều chi tiết mới. (Ảnh minh họa)

Gần đây, chuyện bầu Đức chi ra số tiền khoảng 700 triệu đồng/tháng cho VFF để trả lương và tiền thuế cho HLV Park Hang-seo dần được báo chí chia sẻ với nhiều chi tiết mới.

Theo đó, nhờ sự tài trợ này của bầu Đức, Tổng cục Thể dục Thể thao không phải chi 10.000 USD cho VFF như công văn trước đó VFF gửi lên tổng cục để đề nghị, nhằm hỗ trợ trả lương cho HLV Park Hang-seo. Với việc ký hợp đồng 2 năm với ông Park Hang-seo, bầu Đức dự kiến sẽ phải chi ra số tiền khoảng 17 tỷ đồng.

Sau vị trí Á quân tại giải U23 châu Á 2018, vị trí thứ 4 tại ASIAD 2018, Đội tuyển Việt Nam sẽ đối đầu với đội tuyển Malaysia trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 diễn ra vào tối nay (15.12) trên SVĐ Quốc gia Mỹ Đình. hội để HLV Park Hang-seo cùng Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường... giành chức vô địch AFF Cup 2018 sau 10 năm chờ đợi là rất lớn. Trong số không nhiều người đóng góp vào thành công chung của bóng đá Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại, không thể không nhắc tới ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức).

Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, bầu Đức vẫn nuôi giấc mơ vàng  

Trong những năm tháng khó khăn của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch HĐQT rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần, bầu Đức vẫn tiếp tục chi tiền đầu tư cho bóng đá trẻ.

11 năm đầu tư cho bóng đá trẻ, mỗi năm Bầu Đức đều chi hàng chục tỷ đồng vận hành Học viện HAGL-JMG, cộng thêm các khoản chi phí cho các chuyến tập huấn dài ngày ở nước ngoài, nâng cao chất lượng tại Học viện. Qua tính toán, nếu cộng chi phí đầu tư xây dựng và số tiền đầu tư vào Học viện HAGL-JMG, số tiền Bầu Đức bỏ ra có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Song trong báo cáo tài chính của HAGL, số liệu về Học viện bóng đá HAGL – JMG chỉ còn xuất hiện ở 2 khoản mục chính là chi phí xây dựng dở dang và chi phí trả trước dài hạn.

Cũng trong khoảng thời gian 11 năm kể trên, định hướng kinh doanh của bầu Đức đã liên tục thay đổi, Công ty CP HAGL từ đầu tư trọng tâm vào bất động sản giai đoạn 2009 - 2012, sang mía đường giai đoạn 2013 - 2014, sau đó đến đàn bò vào 2015 - 2016 và mới nhất là mảng kinh doanh cây ăn trái. Còn bầu Đức từ vị trí người giàu nhất TTCK Việt Nam, tới nay đã không còn xuất hiện trong top10 do tài sản chứng khoán của ông đã bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng trong những năm qua.

Từ khi quyết định chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp, khối nợ của công ty Bầu Đức tăng dần và đỉnh điểm là kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).

Trong BCTC soát xét bán niên hợp nhất bán niên 2018 đã được soát xét của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), công ty kiểm toán đã đặt ra nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty Bầu Đức khi tính đến hết quý II.2018, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn tới 5.428 tỷ đồng. Đồng thời, cũng lưu ý khả năng thu hồi nợ của nhóm công ty An Phú.

Cũng theo BCTC, doanh thu thuần HAGL nửa đầu năm 2018 đạt gần 2,915 tỷ đồng, giảm nhẹ so với báo cáo tự lập, trong khi đó giá vốn lại tăng cao hơn, lên mức 1,486 tỷ đồng. Lãi gộp của HAGL đạt 1,428 tỷ đồng, giảm 24 tỷ so với trước soát xét.

Doanh thu tài chính không thay đổi nhiều nhưng chi phí tăng lên gần 40 tỷ đồng. Một vài khoản mục chi phí khác của HAGL giảm nhẹ sau soát xét như chi phí quản lý, chi phí bán hàng và cả khoản lỗ khác cũng giảm. Kết quả cuối cùng, HAGL vẫn lỗ ròng gần 35 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng so với con số lỗ 11 tỷ đồng trước kiểm toán. Sau đó, HAGL đã có những giải trình phản hồi.

Loay hoay với 'bom nợ' tỷ USD, bầu Đức vẫn nuôi giấc mơ vàng cho bóng đá Việt - 2
Loay hoay với “bom nợ” tỷ USD, bầu Đức vẫn nuôi giấc mơ vàng cho bóng đá Việt. (Ảnh minh họa)

Liên quan đến việc kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với khả năng thu hồi của tổng các khoản phải thu từ các bên liên quan với số tiền 5.601 tỷ đồng.

HAGL cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do các bên liên quan này đang vận hành nhiều dự án kinh doanh khá đa dạng như bất động sản, trồng trọt, chăn nuôi với khối tài sản đa dạng, trong đó nhiều dự án đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản nên chưa tạo ra lợi nhuận và dòng tiền thặng dư, rất khó khăn cho việc xác định giá trị tài sản và dòng tiền trả nợ cho Tập đoàn.

Tập đoàn tin rằng khi các dự án kinh doanh của các bên liên quan này đi vào vận hành thương mại và có lợi nhuận thì việc đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ phải thu sẽ trở nên dễ dàng hơn và kiểm toán viên sẽ có đủ thông tin để đưa ra ý kiến chấp nhận toàn bộ.

Đối với ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán viên về các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn, dựa trên yếu tố nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 5.429 tỷ đồng và đã vi phạm một số điều khoản của các khoản trái phiếu.

HAGL nhấn mạnh, trong 5.429 tỷ đồng chênh lệch nợ ngắn hạn của Tập đoàn vượt quá tài sản ngắn hạn, có khoản nợ phải trả ngắn hạn khác đối với Ô tô Trường Hải (Thaco, THA) thông qua cá nhân ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) với số tiền là 1.557,5 tỷ đồng, đây là khoản tiền mượn tạm và đã được hoàn trả trong tháng 8.2018 từ nguồn trái phiếu chuyển đổi. Theo thỏa thuận Đầu tư và Hợp tác toàn diện thì trái chủ là Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương cam kết sẽ chuyển đổi gói trái phiếu này thành vốn vào ngày đáo hạn là ngày 3.8.2019.

Mặt khác, số chênh lệch còn lại sẽ được nhóm Công ty dùng nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh để bổ sung.

Bầu Đức loay hoay với “bom nợ” tỷ USD

Năm 2013 có thể coi là dấu mốc quan trọng đối với Hoàng Anh Gia Lai bởi tại ĐHĐCĐ năm đó, HĐQT của công ty Bầu Đức đã đi đến quyết định, sau đó được cổ đông thông qua là chính thức cắt giảm tỷ trọng doanh thu bất động sản từ 64% (2012) xuống còn 14%. Đồng thời, định hướng chuyển mình vào nông nghiệp qua việc tập trung khai thác mủ cao su vào khoảng 7.000 ha, trồng mới 7.000 ha và kế hoạch trồng thêm 4.470 ha cây mía, đầu tư nhà máy sản xuất vi sinh công suất 50.000 tấn/năm.

Kế hoạch chuyển hướng làm nông nghiệp của HAGL sau đó không chỉ có cao su, mía đường, cọ dầu, bắp… mà còn cả nuôi bò từ năm 2014. Nhìn vào kết quả kinh doanh của HAGL năm 2013 và 2014, dễ dàng nhận thấy việc chuyển đổi của Tập đoàn từ BĐS sang nông nghiệp đi kèm với khối nợ tăng dần qua từng năm.

Nếu chi phí lãi vay lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm đã bào mòn đáng kể lợi nhuận của HAGL thì con số nợ gốc phải trả lại khiến bầu Đức và các cổ đông của Tập đoàn lo ngại hơn thế nhiều lần.

Tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ vay của HAGL ở mức hơn 18.000 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn 6.839 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi, nợ dài hạn chỉ tăng nhẹ quanh mức 11.337 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2015, con số nợ của HAG lên đến hơn 27.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.200 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Năm 2016, tình hình kinh doanh tiếp tục xấu đi khi HAGL ghi nhận khoản lỗ hơn 1.136 tỷ đồng, mức lỗ lớn nhất từ khi thành lập, trong hoàn cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về dòng tiền. Năm 2017, HAGL dù có lãi nhẹ trở lại nhưng hoạt động kinh doanh vẫn ở mức cầm chừng.

Tuy nhiên, những thương vụ nêu trên cũng chưa thể giúp HAGL thoát khỏi vòng xoáy nợ nần. Đến cuối năm 2017, Bầu Đức cũng buộc phải bán ra 23 triệu cổ phiếu HAG để hỗ trợ HAGL tái cơ cấu các khoản vay.

Doanh nghiệp Bầu Đức hiện đã cầm cố gần như tất cả các tài sản của tập đoàn, từ nhà đất bất động sản, vườn cây, trụ sở, các tài sản thành từ vốn vay dự án nuôi bò, các vườn cao su tại Lào, Văn phòng làm việc Hội sở chính HAGL, tổng tài sản hình thành trong tương lai từ dự án Trung tâm thương mại HAGL tại Myanmar… và hàng cả cổ phiếu của ông Đoàn Nguyên Đức.

HAGL đã buộc phải bán đi một trong những mảng kinh doanh hiệu quả nhất lúc bấy giờ là mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công, chuyển nhượng nhiều dự án thủy điện, bất động sản cho các doanh nghiệp khác.

Theo Nguyên Phương (Dân Việt)