Trong dự thảo báo cáo Quốc hội về phát triển giao thông đường sắt, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho hay, Chính phủ định hướng ưu tiên đầu tư phát triển mạng đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM. Trong đó, Hà Nội được quy hoạch 10 tuyến (có thể nghiên cứu thêm các tuyến đường sắt một ray), TPHCM quy hoạch 8 tuyến (ngoài ra còn 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray).
Theo Bộ GTVT, tới nay các dự án đường sắt đô thị đều chậm tiến độ so với kế hoạch. Chính phủ đã chỉ đạo Hà Nội và TPHCM đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai.
Tới cuối năm 2022, các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM được ngân sách bố trí hơn 66.000 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, các dự án đường sắt đô thị đã được bố trí hơn 36.600 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và xây dựng 4 tuyến. Trong đó, tuyến Yên Viên – Ngọc Hồi được bố trí hơn 2.200 tỷ đồng; tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được bố trí gần 1.000 tỷ đồng; tuyến Cát Linh - Hà Đông được bố trí hơn 16.300 tỷ đồng; tuyến Nhổn – ga Hà Nội được bố trí hơn 17.000 tỷ đồng.
Tới nay, duy nhất tuyến Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) hoàn thành đưa vào khai thác thương mại. Tuyến Nhổn - ga Hà Nội cơ bản hoàn thành đoạn trên cao, dự kiến cuối năm nay khai thác thương mại, còn đoạn đi ngầm dự kiến phải lùi tiến độ hoàn thành tới năm 2027.
Với tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi hiện đã triển khai thiết kế kỹ thuật, nhưng tạm dừng triển khai, Bộ GTVT đang làm thủ tục bàn giao hồ sơ để Hà Nội tiếp tục thực hiện. Tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang điều chỉnh dự án để triển khai các bước tiếp theo.
Để thúc đẩy các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, tháng 8 vừa qua, Thủ tướng đã trực tiếp kiểm tra công trường, đánh giá tình hình triển khai, làm rõ tồn tại, nguyên nhân và giao các bộ ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc.
Tại TPHCM, tới nay ngân sách đã bố trí gần 30.000 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện thi công 2 tuyến đường sắt đô thị. Trong đó, tuyến Bến Thành - Suối Tiên đã được bố trí gần 24.000 tỷ đồng, tuyến Bến Thành - Tham Lương được bố trí trên 5.500 tỷ đồng.
Dự kiến, tới năm 2023 tuyến Bến Thành - Suối Tiên sẽ hoàn thành để đưa vào khai thác, trong khi tuyến mới tới bước giải phóng mặt bằng.
“Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM đều chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư”, Bộ GTVT đánh giá và cho biết nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này chủ yếu do vướng giải phóng mặt bằng.
Để thúc đẩy tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM theo quy hoạch, Chính phủ đã chỉ đạo 2 địa phương này khẩn trương triển khai chuẩn bị đầu tư. Trong đó, Hà Nội tập trung chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Hà Đông - Hoàng Mai, Văn Cao - Hòa Lạc; TPHCM chuẩn bị đầu tư thêm tuyến Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn, Bến Thành - Tân Kiên.
Theo Lê Hữu Việt (Tiền Phong)