Loạn nước rửa tay mập mờ chất lượng: Tâm lý 'có còn hơn không' khiến nhiều người rước hoạ vào thân

04/04/2020 15:38:34

Lợi dụng dịch bệnh Covid-19, một số đơn vị đã đưa ra thị trường các loại nước rửa tay sát khuẩn chưa được cấp phép. Nguy cơ “tiền mất tật mang” ngày càng cao nếu người tiêu dùng không nâng cao cảnh giác cùng với sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan chức năng.

Hàng dỏm tung hoành

Mới đây, đại diện Lotte Mart Việt Nam vừa ra thông báo đến người tiêu dùng về việc sản phẩm nước rửa tay mang nhãn hiệu riêng của hệ thống này đã bị làm giả và đang được bày bán công khai trên mạng xã hội. Theo đại diện nhà bán lẻ này, hiện nay siêu thị vẫn trong tình trạng đặt hàng nhà cung cấp và chưa có đợt hàng mới, nhiều điểm bán không còn hàng sẵn để đưa lên kệ. Tuy vậy, trên mạng xã hội, người bán vẫn đang rao bán tràn lan sản phẩm gel rửa tay nhái thương hiệu Choice L. “Điểm dễ nhận dạng nhất là sản phẩm chính hãng có thiết kế màu rõ ràng, thông tin ba thứ tiếng Anh, Việt, Hàn thì sản phẩm nhái thương hiệu chỉ có một thứ tiếng”, đại diện Lotte Mart cho biết.

Loạn nước rửa tay mập mờ chất lượng: Tâm lý 'có còn hơn không' khiến nhiều người rước hoạ vào thân

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra, để phòng ngừa theo các hướng dẫn của bộ Y tế, việc rửa tay thường xuyên là một trong những biện pháp phòng tránh lây nhiễm. Thế nhưng, nếu chọn nhầm sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ không đem đến kết quả phòng ngừa hiệu quả như mong muốn, chưa kể có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã ra cảnh báo tình trạng một số đối tượng lợi dụng tâm lý do lắng của người dân phòng dịch Covid-19 để bán nước rửa tay giả. Những chai gel “diệt khuẩn” với cái tên rất “Tây” và lạ,… hoặc thậm chí mang hẳn thương hiệu Corona cùng những lời quảng cáo “có cánh” của các cửa hàng online trên mạng xã hội như “bảo đảm tiêu diệt được virus”,… đã khiến nhiều người tiêu dùng bị lầm tin mà chọn mua, dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

Chị Đào Thị Thu Trang (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ: “Ngoài khẩu trang, tôi luôn cất sẵn một chai nhỏ nước rửa tay khô trong túi để dùng khi ra khỏi nhà. Đến bất cứ nơi đâu, từ công sở, siêu thị, bệnh viện, tàu xe, lúc giao tiếp, thậm chí khi đi ăn đều phải dùng nước rửa tay khô để vệ sinh mới yên tâm. Tuy nhiên, với loại nước rửa tay không có thương hiệu bán trên mạng, sau một thời gian sử dụng, tôi cảm thấy da tay rất khô, phải dùng kèm sữa dưỡng da. Đến khi người thân làm bác sĩ xem qua, tôi mới biết mình loại nước rửa tay sát khuẩn mình sử dụng cả tháng qua chưa được cơ quan y tế cấp phép”.

Loạn nước rửa tay mập mờ chất lượng: Tâm lý 'có còn hơn không' khiến nhiều người rước hoạ vào thân - 1
Sự xuất hiện của nhiều loại dung dịch rửa tay không rõ nguồn gốc đang làm loạn thị trường. Người tiêu dùng không thể biết rõ công dụng cũng như cả tác hại nếu có nếu cơ quan chức năng không vào cuộc kiểm soát chặt chẽ. Đáng nói hơn, do quan niệm “có còn hơn không”, hiện nhiều người vẫn chấp nhận mua để sử dụng với tâm lý giúp các thành viên trong gia đình an toàn hơn trước dịch Covid-19.

Trên thực tế, có những cơ sở sản xuất nước rửa tay gia dụng chưa được khảo nghiệm tính năng diệt khuẩn, cũng không có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của bộ Y tế nhưng vẫn đưa mặt hàng này ra bán. Các sản phẩm này thường lách luật bằng cách ghi là nước rửa tay diệt khuẩn nhưng có số đăng ký là mỹ phẩm hoặc đăng ký là “tiêu chuẩn cơ sở” (có ghi chữ TCCS trên chai) hoặc không có cả số đăng ký…Nhiều công ty mỹ phẩm dù chưa hề sản xuất nước rửa tay, nay cũng nhanh nhạy. Quan sát nhãn mác của sản phẩm này không thể hiện bất cứ thông tin nào về nguồn gốc, địa chỉ cơ sở sản xuất cũng như giấy phép, tiêu chuẩn y tế.

Đừng thấy ai bán cũng mua

Đánh giá tình trạng này, tiến sĩ, bác sĩ Ngô Minh Vinh, đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng, việc người dân có ý thức rửa tay diệt khuẩn là điều rất tốt. Đây cũng là cách bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay có quá nhiều sản phẩm rửa tay diệt khuẩn được quảng cáo trên thị trường nên người tiêu dùng khó biết được sản phẩm nào tốt, có khả năng tiêu diệt vi khuẩn thực hay không. Nếu quảng cáo chất dùng để tiêu diệt vi khuẩn, cần phải xem xét lại các yếu tố từ chất tạo thành, nồng độ... Bởi không phải cứ cồn là có tác dụng diệt khuẩn. Thực tế cho thấy, cồn 70 độ trở lên mới có khả năng sát trùng. Cồn này phải đảm bảo các chỉ tiêu do bộ Y tế ban hành, còn cồn tự chưng cất đôi khi không có tác dụng.

“Dùng nước rửa tay kém chất lượng có thể ảnh hưởng nhiều đến da tay, đặc biệt gây viêm da kích ứng. Đó là tình trạng da tay bị phản ứng với nồng độ của hóa chất có trong nước rửa không an toàn. Nồng độ chất gây ra kích ứng càng nhiều, càng mạnh thì tổn thương da càng cao với các biểu hiện như đỏ, rát, nổi mụn nước. Khi mụn nước bị bể thì gây ra hiện tượng nhiễm trùng”, bác sĩ Minh khuyến cáo.

Loạn nước rửa tay mập mờ chất lượng: Tâm lý 'có còn hơn không' khiến nhiều người rước hoạ vào thân - 2
Còn tiến sĩ, bác sĩ Lê Văn Nhân, nguyên Phó Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM lo ngại, hiện trên thị trường có rất nhiều loại khẩu trang, nước rửa tay được giới thiệu có chức năng diệt khuẩn, khử khuẩn, kháng khuẩn nhưng lại không đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng. Cụ thể, nước rửa tay diệt khuẩn phải được cục Quản lý môi trường y tế thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành và được khảo nghiệm tính năng diệt khuẩn ở những cơ sở được phép của bộ Y tế (như viện Pasteur TP.HCM, viện Vệ sinh y tế công cộng, viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương,…).

Cũng theo chuyên gia này, nước rửa tay được sản xuất và bán trôi nổi ngoài thị trường có thể có nhiều tạp chất, không bảo đảm vô trùng hoặc thậm chí sử dụng cồn công nghiệp gây độc, có thể gây mù mắt. Nước rửa tay sát khuẩn tự chế tại nhà cũng chỉ có hạn sử dụng ngắn, dễ bị nhiễm vi khuẩn trong quá trình thao tác.

“Sử dụng các loại nước rửa tay khô chứa cồn hiệu quả trong trường hợp không nhìn thấy rõ ràng trên tay. Các sản phẩm này có tác dụng diệt khuẩn cực nhanh nhưng lại không thể diệt sạch tất cả vi khuẩn. Vì vậy, nếu có quá nhiều vết bẩn trên tay, thành phần gel kháng khuẩn không thể tiếp xúc đến các vi sinh vật nằm dưới những vết bẩn đó. Tốt nhất không nên dùng nước rửa tay khô như một thói quen trong phòng tắm, bếp hay nhà vệ sinh mà chỉ dùng như một giải pháp thay thế trong các hoạt động hằng ngày khi không có nước sạch rửa tay”, tiến sĩ Nhân nhấn mạnh.

Loạn nước rửa tay mập mờ chất lượng: Tâm lý 'có còn hơn không' khiến nhiều người rước hoạ vào thân - 3

Trước tình trạng “loạn” nước rửa tay khô quảng cáo nhập nhèm, chưa kiểm định chất lượng, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục Trưởng cục Quản lý môi trường y tế (bộ Y tế) cho biết, cơ quan này đã yêu cầu các sở Y tế tăng cường quản lý cơ sở sản xuất, mua bán chế phẩm nước rửa tay.

“Chúng tôi đã thông báo danh sách các chế phẩm được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam và đề nghị sở Y tế rà soát các chế phẩm sát khuẩn tay đang lưu hành trên thị trường. Đồng thời, yêu cầu xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán chế phẩm chưa được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Đồng thời, Cục cũng yêu cầu một số sở Y tế không tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng của mỹ phẩm hoặc trang thiết bị y tế loại A đối với nhóm sản phẩm này”, bà Hương thông tin.

Theo Hà Nhân (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật