Loạn giá xăng vì Bộ trưởng muốn giữ "chữ tín"

22/01/2015 09:10:34

Ngày 21/1, điều hành xăng thay đổi liên tục. Đầu giờ sáng, quyết định tăng thuế kịch trần rồi trong buổi chiều lại hai lần ra thông báo giảm giá và việc tăng thuế cũng đình lại.

Ngày 21/1, điều hành xăng thay đổi liên tục. Đầu giờ sáng, quyết định tăng thuế kịch trần rồi trong buổi chiều lại hai lần ra thông báo giảm giá và việc tăng thuế cũng đình lại.

Cấp tập sửa sai
 
Sáng 21/1, báo chí bất ngờ khi nhận được thông tin về việc tăng kịch trần thuế nhập khẩu xăng dầu. Cụ thể, 3 mặt hàng xăng, dầu hoả và dầu madut đều đồng loạt tăng thêm 5 điểm phần trăm, chạm mức thuế nhập khẩu là 40%.

Biểu thuế này đi kèm theo Thông tư 06 do Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai ký ban hành chiều ngày 20/1 và thời gian có hiệu lực là từ ngày 21/1. Việc tăng thuế này khiến cho nhiều người thạo tin ngạc nhiên. Bởi lẽ, chỉ trước đó, trong chiều ngày 20/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ: "Sẽ không tăng kịch trần thuế nhập khẩu xăng dầu".

Trả lời cho băn khoăn của Vietnamnet khi đó, giá dầu thô đã quá thấp thì thuế tăng trần hay không, ông Đinh Tiến Dũng rất cởi mở khẳng định: "Sẽ không tăng". Bộ trưởng Dũng nói thêm: "Sáng nay, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ rồi. Thuế nhập khẩu xăng dầu cứ giữ nguyên. Nếu giá dầu giảm nữa thì phải tính toán điều chỉnh lại mức trần này".

Người đứng đầu ngành tài chính cũng bày tỏ: "Tôi bao giờ cũng đứng về phía người tiêu dùng". Nói rộng hơn về câu chuyện giá dầu thô, ông cho rằng, giá xuống chính là cơ hội tốt cho nền kinh tế, góp phần làm giảm chi phí cho nền kinh tế.

Thế nhưng, ngay khi Bộ trưởng đã khẳng định thông tin như vậy thì Thông tư số 6 tăng kịch trần thuế của Bộ vẫn được ban hành và được gửi sang Bộ Công Thương cũng ngay trong chiều ngày 20/1.
 

Trong một ngày, điều hành xăng thay đổi liên tục.

 
Theo quy trình, với việc thay đổi chính sách thuế như vậy, các vụ chức năng sẽ phải xin ý kiến và phải được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ phê duyệt thì mới có thể ký ban hành chính thức.

Trên cơ sở Thông tư số 6, Bộ Công Thương đã tính toán các phương án giảm giá với mức dự kiến chỉ giảm 720- 1.444 đồng/lít xăng dầu, thời gian áp dụng chậm nhất là từ 15h ngày 21/1.

Câu chuyện 'trống đánh xuôi, kèn thổi ngược' này đã dẫn tới hậu quả, các phương án giá xăng dầu của Bộ Công Thương phải thay đổi liên tục và lùi thời gian giảm giá tới 1 tiếng. Các doanh nghiệp xăng dầu cũng thấp thỏm chờ đợi không hiểu vì lý do gì, đã cận thời hạn 15 ngày nhưng vẫn chưa nhận được "lệnh" của các Bộ.

Nguyên nhân là bởi, sau khi có thông tin tăng kịch trần thuế xăng lên 40% và đặc biệt là đăng phương án chuẩn bị giảm giá của Bộ Công Thương từ 15h, Bộ Tài chính phát sinh chuyện thu hồi thông tư tăng thuế theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

Trước thời điểm 15h ít phút, Bộ Tài chính phát đi thông cáo cho biết, thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn giữ nguyên. Trong đó, mặt hàng xăng A92, dầu hoả, mazut vẫn ở mức thuế 35%, dầu diesel vẫn giữ mức 30% và xăng máy bay không thay đổi với mức thuế 25%. Vì thế, Bộ Công Thương phải tính lại phương án giá trong điều kiện không tăng thuế.

Vì sự chữa cháy này mới có chuyện, giá xăng dầu ở mỗi thời điểm khác nhau nhưng nhưng chung kết là giảm sâu tới 1.900 đồng/lít xăng và áp dụng từ 16h chiều 21/1. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, vì ông đã nói không tăng thuế nên sẽ phải thu hồi lại Thông tư này.

Tăng thuế: Đi ngược thị trường
 
Trên thực tế, các mức thuế theo Thông tư số 6 không sai so với các văn bản ban hành trước đó. Cụ thể, các mặt hàng xăng dầu sẽ được phép tăng kịch trần thuế nếu như giá dầu thô thế giới xuống dưới 60 USD/thùng. Kịch bản này đã được Bộ Tài chính ban hành hôm 4/12/2014.

Dù vậy, các mốc thuế trong barem này là rất cao, đều là 40% cho cả 4 mặt hàng. Cùng đó, việc tăng thuế cũng chỉ diễn ra liên tục trong vòng 1 tháng, mỗi lần tăng đều 9-10 điểm phần trăm.

Trong khi đó, một điểm quan trọng hơn là thuế nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam cũng sẽ phải tuân theo các cam kết trong hội nhập ASEAN như nhiều hàng hoá khác. Bộ Tài chính cũng đã cho biết lộ trình này, tới năm 2018, thuế ATIGA trong ASEAN sẽ giảm rất sâu. Cụ thể, xăng chỉ còn mức thuế nhập khẩu 20%, dầu diesel cho ôtô chỉ áp mức 5%, dầu madut là 0%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức trần thuế vừa ban hành trên, cũng thấp hơn nhiều so với mức thuế hiên hành là 30-35%.
 

Các mặt hàng xăng dầu sẽ được phép tăng kịch trần thuế nếu như giá dầu thô thế giới xuống dưới 60 USD/thùng.

 
Về nguyên tắc, để được hưởng các mức thuế nhập khẩu ưu đãi trên, các sản phẩm xăng dầu nhập khẩu vào Việt Nam phải có xuất xứ từ ASEAN với hàm lượng là 40%. Theo thống kê của hải quan và Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 11/ 2014, cả nước nhập khẩu 7,88 triệu tấn xăng dầu với trị giá là 7,23 tỷ USD.

Trong đó, xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2014 chủ yếu có xuất xứ từ Singapore với 2,46 triệu tấn, Thái Lan là 757.000 tấn, Malaysia là 373.827 tấn, Trung Quốc là 1,54 triệu tấn, Hàn Quốc là 553.000 tấn, Đài Loan là 1,16 triệu tấn.

Như vậy, tới năm 2018, việc áp thuế xăng dầu sẽ còn phải phụ thuộc vào chứng nhận xuất xứ và có sự chênh lệch khác nhau theo nguồn gốc nhập khẩu. Khi đó, xăng dầu từ các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia sẽ được giảm mạnh thuế, nhưng nếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc thì không có cơ hội này. Liên Bộ Công Thương- Tài chính sẽ phải tính lại công thức giá xăng dầu.

Với chính sách thuế hiện nay, rất nhiều chuyên gia kinh như TS Nguyễn Đình Cung, TS Trần Đình Thiên đều cho biết, nhóm đã kiến nghị Thủ tướng không tăng thuế xăng dầu dù dầu thô giảm giá sâu.

Các chuyên gia kinh tế này đều cho rằng, đây chính là cơ hội để phục hồi nền kinh tế, nên chính sách thuế cần khoan sức dân. Tối kỵ nhất là việc tăng thuế làm mất cơ hội giảm giá cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Như vậy là đi ngược lại dòng chảy thị trường.
 
>> Hoãn tăng thuế, giảm giá xăng tới 1.900 đồng từ 16h
>> Tăng thuế tối đa, mỗi lít xăng gánh gần 9.000 đồng thuế, phí
 
Theo Phạm Huyền (Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam)