Loạn giá đất không cản nổi, cần một Ủy ban Quản lý Bất động sản quốc gia

10/05/2022 14:20:05

Để hạn chế tình trạng loạn giá nhà đất, cần thành lập Úy ban Quản lý bất động sản quốc gia là đề xuất của GS.Đặng Hùng Võ khi thảo luận về các vấn đề “nóng” của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay.

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, nhiều luật liên quan đến BĐS đã được xây dựng nhưng điều đơn giản, quan trọng nhất là trình tự, thủ tục trong giao dịch BĐS thì vẫn lỏng lẻo. Ví dụ, khi kết quả giao dịch hoàn tất, văn phòng công chứng tư hoàn toàn công khai thông tin lên mạng. Trái lại, các thông tin chính thức thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý giao dịch BĐS (Văn phòng Đăng ký đất đai tại các địa phương) thì không thể tìm thấy trên mạng.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao công chứng tư làm được nhưng cơ quan công vụ lại không làm được? Trong khi người dân luôn muốn biết ngôi nhà cần mua có ổn không, có rơi vào quy hoạch hay không. Tất cả thông tin đều rất cần nhưng người dân làm thủ tục lại không biết, phải đi hỏi rồi nhờ vả quanh. 

Cũng theo ông Võ, chức trách giao cho Bộ chuyên quản lý về BĐS là Bộ Xây dựng, thế nhưng khi đề cập đưa loại hình BĐS du lịch về Bộ Xây dựng thì cấp lãnh đạo Bộ "giãy nảy" lên, không đồng ý và nói chỉ quản lý lĩnh vực BĐS nhà ở. Còn BĐS du lịch là thuộc quản lý của Bộ VH-TT&DL.

Loạn giá đất không cản nổi, cần một Ủy ban Quản lý Bất động sản quốc gia
Chuyên gia nhận định, việc siết tín dụng bất động sản nếu không cẩn trọng sẽ gây nhiều khó khăn cho thị trường (ảnh: Trần Chung)

“Quản lý bất động sản chưa có tính nhất quán và tồn tại nhiều bất cập. Tôi từng nhiều lần đề nghị cần có Ủy ban Quản lý Bất động sản, trong đó, có đại diện Bộ NN-PTNT, Xây dựng rồi VH-TT&Du lịch... Không thể chỉ một bộ đứng ra quản lý hết được lĩnh vực bất động sản mà cần một Ủy ban gồm thành viên của rất nhiều bộ”, ông Võ nói tại tọa đàm về bất động sản do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức sáng 7/5.

Siết tín dụng bất động sản: Con dao 2 lưỡi?

Nhận định về xu hướng BĐS năm 2022, ông Lê Hữu Nghĩa - PCT Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho rằng, từ giờ đến cuối năm, nguồn cung BĐS vẫn hạn chế đối với thị trường sơ cấp. Tuy nhiên, thị trường thứ cấp có thể sẽ thay đổi bởi các ngân hàng đang có động thái siết tín dụng BĐS. Khi siết cho vay thì một số nhà đầu tư đã “ôm” hàng cảm thấy gánh vay ngân hàng không nổi nữa nên quyết định bán nhà ra thu tiền về. Nhờ đó, lượng cung tăng. 

Cơ quan quản lý siết dòng tiền để ưu tiên sản xuất, nhu cầu của nhà đầu tư sẽ giảm đáng kể nhưng nhu người mua ở thật vẫn còn. Như vậy, nguồn cung có cơ hội tăng lên và lực cầu giảm. Sự điều tiết trên nhằm tránh đổ vỡ thị trường khi tiền vào BĐS quá nhiều. Đương nhiên, không phải là không cho vay toàn bộ thị trường mà những dự án tốt sẽ cho vay, những dự án có rủi ro mới bị hạn chế cấp tín dụng.

Dẫu vậy, đại diện HoREA cho rằng, giá BĐS hình thành từ hai yếu tố là giá đất và giá thành xây dựng công trình đó. Hiện, giá vật liệu xây dựng tăng rất cao. Ví dụ, giá thép tăng gấp đôi dẫn đến giá thành tăng. Trong khi, giá đất đầu vào cũng ở mức cao. Hai yếu tố trên cộng lại dẫn đến chắc chắn giá BĐS không giảm, đây là xu thế của năm 2022. Chưa kể, 3 năm nay, nguồn cung BĐS hạn chế và giảm liên tục theo thời gian dẫn đến khan hiếm.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam, cho hay, việc thắt chặt tín dụng BĐS ảnh hưởng tới cả chủ đầu tư và người mua nhà. Chủ đầu được cho vay ít đi, người dân cũng không vay được tiền mua nhà. Trong hoàn cảnh này, chủ đầu tư cần có vốn thật khi triển khai các dự án, ít nhất trên 50% để hạn chế phụ thuộc vào nguồn tín dụng đi vay. Cùng với đó, bản thân người mua nhà cũng nên có 50% lượng tiền khi thực hiện giao dịch.

Ở góc nhìn khác, ông Đặng Hùng Võ đánh giá, chỉ với ý tưởng siết tín dụng thì không tạo được phương thuốc chữa căn bệnh giá BĐS “nhảy múa”. Siết tín dụng BĐS đồng nghĩa DN hay nhà đầu tư cá nhân đều phải ngồi yên. Dĩ nhiên, có thể siết nhà đầu tư cá nhân để tránh lướt sóng, kiếm ăn vội vã từ BĐS. Nhưng khu vực dự án của các DN cần thận trọng bởi nếu dự án không có tín dụng nữa tức là đóng băng, điều này từng xảy ra trong giai đoạn 2009-2010.

Tiếp tục siết một cách võ đoán, không cân nhắc thì chắc chắn các dự án BĐS nằm yên. Dự án nằm yên, không bán được dẫn tới không có giao dịch, nợ sẽ trở thành nợ xấu và đấy là vòng luẩn quẩn. Cần cụ thể siết tín dụng đối với dự án nào, còn dự án nào phải cấp nhanh tín dụng để họ có nguồn cung nhà ra thị trường.

Trong khi đó, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương - ông Mauro Gasparotti cho rằng, động thái siết chặt các hoạt động cho vay phát triển dự án sẽ giảm thiểu rủi ro thị trường phát triển quá “nóng” cũng như nguy cơ bong bóng BĐS trong tương lai. Điều này giúp thị trường phát triển theo hướng ổn định và bền vững hơn cũng như đem đến những giá trị trong dài hạn.

Theo Trần Chung (VietNamNet)

Nổi bật