Rau dừa Miền Tây - rau dừa nước (Jussiaea repens oenotheracene) còn có tên gọi khác là du long thái hay thủy long, thuộc họ rau dừa nước (Onagraceae). Chúng còn có nhiều tên gọi khác nhau, tùy từng khu vực. Người dân Miền Đông, Nam Trung bộ còn gọi chúng với cái tên là sen úng thủy hay sen cạn bởi loại rau này có thể mọc ở ruộng cạn nước và ruộng ngập nước.
Đây là loại cây thuộc thân thảo, từ thân đâm nhiều nhánh nhỏ. Thân hình trụ, mềm yếu, có nhiều đốt. Lá hình trứng dài, mọc so le, gốc thân đầu tù, hai mặt nhẵn. Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, màu trắng. Quả nang, bên ngoài có lông mịn, không ngứa, bên trong chứa nhiều hạt.
Loại rau này thường sống ở những chỗ đầm nước hoặc trên cánh đồng lúa, ao hồ... Nếu mọc ở trên mặt nước thì ở các nhánh cây sẽ có các phao nhỏ, còn nếu mọc ở cạn các phao này sẽ tiêu biến. Khi thời tiết ấm và ẩm, chúng sinh trưởng và phát triển rất nhanh, mạnh.
Trong rau dừa nước có chứa các thành phần flavonoid, tanin, chất nhầy, nhiều muối, kali, natri. Theo y học cổ truyền, rau dừa nước vị ngọt nhạt, tính hàn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng. Rau có thể dùng trị phù thũng, tiểu đục, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu, ho khan, nóng sốt, lên ban sởi, mụn nhọt, rối loạn tiêu hóa.…
Khi thu hái rau dừa nước, người dân thường loại bỏ phần gốc và rễ, chỉ rửa sạch phần lá rồi thái ngắn và cho vào túi nilon hoặc là để trong hộp có nắp và dùng dần.
Trước đây. rau dừa nước được cho là loại rau dại, chúng thường làm ảnh hưởng đến các loại thực vật khác sống cạnh nên người dân thường nhỏ vứt đi. Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây, nó lại trở thành món ăn đặc sản của thành phố, giá khá đắt đỏ.
Ngọn và lá rau có thể dùng để ăn sống cho mát. Ngoài ra, chúng có thể chế biến thành món luộc hoặc nấu giúp thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể. Cũng có thể chế biến trong các món gỏi, nhúng lẩu hoặc đem xào đều rất ngon và giàu chất dinh dưỡng.
Rau dừa ăn với mắm kho là món ăn đặc trưng của người dân Miền Tây trong mùa nước nổi. Hương vị giòn thơm của rau dừa hòa quện với mùi đậm đà của mắm kho đậm chất hồn quê. Rau dừa khi mới ăn vào có vị nồng, hơi ngứa cổ. Tuy nhiên khi đã ăn thử thì không thể nào quên được vị thanh mát của nó.
Anh Huỳnh Văn Mai (An Giang) chia sẻ: "Khoảng mấy chục năm trước, ở quê tôi, rau dừa nhiều vô sổ, chen mình vào những ruộng lúa. Có thời điểm, nó được xem là rau phá hoại vì mọc qua nhiều nên không được coi trọng. Giờ đây, rau dừa hiếm hơn, thỉnh thoảng mới có người bán ở chợ".
Trên các chợ mạng, loại rau này đang được rao bán với giá từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, và khách phải đặt trước mới có hàng.
"Đợt đầu tôi đăng rau dừa lên nhiều người còn ngạc nhiên bảo đó là rau cho lợn ăn, không nghĩ là ăn được. Tôi đoán với người dân vùng miền khác, rau dừa không có giá trị nhưng ở Miền Tây, rau dừa là đặc sản nhiều người lùng mua. Tôi gom của bà con rồi bán lại cho nhà hàng và bán lẻ", chị Chính - người bán rau đặc sản trên chợ mạng tại Tp.HCM chia sẻ.
Theo Pha Lê (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)