Những ổ kiến vàng khá phổ biến ở các khu vực miền núi của nước ta. Nếu không biết cách chế biến thì chúng vẫn chỉ là những ổ kiến vàng. Nhưng nếu biết cách chế biến, người ta có thể tạo ra nhiều đặc sản trứ danh từ kiến vàng.
Người Cao Bằng lấy trứng kiến để làm bánh, người Bình Định có món nộm trứng kiến vàng níu chân thực khách. Và khi ghé thăm Gia Lai, du khách sẽ ngạc nhiên với một loại đồ chấm tận dụng cả thân của con vật này, đó là muối kiến vàng.
Người Gia Lai có thể biến kiến vàng, một loại côn trùng khiến nhiều người tránh xa, trở thành thứ đặc sản nổi tiếng.
Đúng như tên gọi, muối kiến được chế biến từ xác những con kiến bống vàng thường làm tổ trên cây cao cùng một số loại gia vị khác như muối, ớt, lá then len,...
Quá trình làm loại muối này không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ từ khâu làm sạch kiến cho đến khi trộn các nguyên liệu vào nhau.
Kiến vàng làm tổ ở trong rừng, trên những lá cây và làm tổ ở dưới mặt đất. Tuy nhiên, kiến vàng ngon nhất là kiến vàng ở trên cây.
Việc bắt tổ kiến vàng trong rừng gặp khá nhiều khó khăn, không phải ai cũng bắt được mà thường là người dân bản địa mới thông thuộc địa hình rừng núi. Hơn nữa, tùy thổ nhưỡng từng vùng, đặc thù của rừng cây mà loài kiến vàng thường làm tổ trên những ngọn cây ở độ cao thấp khác nhau.
Người dân phải lặn lội vào rừng và mang theo một cây sào dài đi bắt kiến vàng. Những tổ kiến vàng có kích thước “khủng” thường được làm trên cây cao, thợ săn kiến phải leo lên mới bắt được tổ.
Những người bắt kiến nhiều kinh nghiệm sẽ nhận biết được khi nào tổ kiến có nhiều trứng, đó là khi bên ngoài tổ có một màng trắng bạc. Họ dùng cây sào để khều tổ kiến từ trên cây xuống, cho nguyên tổ kiến vào thau nhôm. Sau khi rũ bỏ hết rác lá, người ta sẽ thu được kiến và trứng kiến.
Kiến sau khi được bắt mang về nhà phải rửa qua nước, làm sạch các tạp chất như cát, cánh kiến, mạng nhện, lá cây. Sau đó, người ta mang kiến rang trên chảo nóng để tạo nên độ giòn, thơm khi trộn cùng muối.
Cuối cùng, người ta đem kiến đi giã. Điểm đặc biệt của con kiến vàng là nằm ở phần bụng và thân vì phần này có dịch chua. Vì vậy, trong khi giã, phải làm sao để kiến không bị nát nhừ nhưng chất chua đặc trưng của chúng phải quyện thật đều trong các thành phần khác để dậy lên một hương vị rất riêng.
Bên cạnh kiến vàng, thành phần của muối kiến không thể thiếu muối, ớt và bột ngọt. Muối được chọn phải là muối hột. Thứ muối hột đơn giản này mà chính là điểm nhấn hương vị cho món ăn độc đáo này. Ớt và muối hột phải được đong đếm đúng tỷ lệ trước khi trộn vào để tạo nên hương vị cân bằng, độc đáo.
Trộn kiến đã giã cùng muối hột, bột ngọt, ớt tươi và kèm thêm lá then len - một loại lá rừng thường thấy ở vùng Tây Nguyên - người ta sẽ có được món muối kiến độc lạ.
Loại muối này có vị mằm mặn, ngọt, cay the kèm chút vị chua tự nhiên của kiến vàng, hòa quyện vào nhau tạo nên một thứ đồ chấm ngồ ngộ, ấn tượng từ cái tên đến hương vị.
Muối kiến vàng có thể dùng thay thế cho muối ớt, chấm ăn kèm với nhiều món khác nhau, nhưng ngon nhất là chấm với các loại thịt nướng hay kết hợp với cóc, xoài, ổi.
Ngoài hương vị độc đáo, muối kiến còn có giá trị dinh dưỡng cao. Thứ đặc sản này cung cấp từ 42-67% đạm và 28 loại axit amin cần thiết cho cơ thể.
Theo kinh nghiệm của người dân Tây Nguyên, kiến vàng có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu, giúp ngăn ngừa và giảm bệnh tiểu đường.
Hiện muối kiến trở thành thức chấm đặc sản không chỉ của người Gia Lai mà còn được xuất bán khắp cả nước. Chính vì thơm ngon và độc lạ nên muối kiến vàng dần được nhiều người biết đến, vang danh khắp nơi.
Trên thị trường, muối kiến vàng có giá phổ biến trên 350.000 đồng/kg, dù vậy có thời điểm, giá thậm chí có nơi rao bán tới 1 triệu đồng/kg.
Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)