Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, vườn đào thất thốn của ông Lê Hàm (58 tuổi, trú tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) đang được điều chỉnh nhiệt độ để đào ra hoa đúng thời điểm. Có khá nhiều khách hàng sành chơi đào đến để chiêm ngưỡng cũng như mua về trưng bày Tết
Chủ vườn đào thất thốn, ông Lê Hàm cho biết: "Đào thất thốn đòi hỏi người chăm sóc phải tốn nhiều công sức và yêu cầu độ tỉ mỉ cao. Là loại hoa đặc biệt nên cách chăm sóc cũng đặc biệt không kém, để đào thất thốn nở hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán tôi phải dịch chuyển hơn 100 gốc cây vào trong hệ thống nhà điều hòa để điều tiết, căn chỉnh nhiệt độ.
Theo ông Hàm, những gốc đào thất thốn đang chăm sóc tại vườn được trồng cách đây khoảng 30 năm. Tính đến nay, ông sở hữu tổng cộng khoảng 50 gốc đào quý với tổng giá trị lên tới gần 1 tỉ đồng.
Đào thất thốn (còn gọi là tiến vua) là loại đào cổ, quý hiếm nên được nhiều người săn đón mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Loại đào này xưa kia từng dùng dâng tiến lên nhà vua và các vị công thần, quý tộc. Trải qua nhiều năm, chỉ còn một số vườn duy trì được giống đào quý này.
Được biết, có tên gọi đào thất thốn là do loại đào ngày mỗi một thốn (độ dài cành bằng 1 đốt ngón tay) có 7 bông hoa. Nhưng cũng có nhiều người cho rằng, đào gọi là thất thốn vì 7 thốn cây sẽ chia cành 1 lần, hoặc lá đào dài 7 thốn.
Đào thất thốn mang dáng vẻ cổ kính, từ gốc đến cành đào đều sần sùi, nổi những u, mấu. Khác với các loại đào thường, thất thốn có thân xù xì, cao hơn mặt đất khoảng 1 m.
Theo Ngô Nhung (Nld.com.vn)