Nếu trước đây, những loại côn trùng như dế mèn, bọ xít một thời được nhiều người chuộng ăn thì nay, các gia đình có điều kiện lại săn lùng cà cuống. Dù có mức giá đắt đỏ, lên tới gần 4-5 triệu đồng/kg, nhưng nhiều người sẵn sàng bỏ tiền mua để tăng thêm hương vị cho món ăn.
Những ngày gần đây, anh Nguyễn Đình Long ở Thạch Thất, Hà Nội thường xuyên rao bán trên facebook những mẻ cà cuống với mức giá đắt đỏ: 35.000 đồng/con. Nhìn bề ngoài, cà cuống không khác gì những con gián, nhưng chúng được bán với mức giá cao như vậy khiến nhiều người giật mình.
Vậy mà anh Long nhận xét, mức giá bán cà cuống năm nay đã giảm nhiều so với năm ngoái do dịch Covid-19. Những năm trước, mức giá bán lẻ cà cuống không bao giờ giảm xuống dưới 5 triệu đồng/kg và dưới 50.000 đồng/con.
Anh chia sẻ, anh nhập cà cuống từ Lào hoặc một số khu vực ở miền Nam; sau đó, đưa về Hà Nội bán cho khách lẻ hoặc các nhà hàng bán đồ ăn vặt. Còn tại miền Bắc, có rất ít cà cuống vì bà con lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng nên cà cuống gần như ít xuất hiện.
Lý giải vì sao loại côn trùng thân mỏng dẹt giống hệt gián, bọ xít này lại được nhiều người tìm kiếm mua, anh Long nói: “Cà cuống sống cả trên bờ và đầm ao, ruộng lúa dưới nước nhưng mang trong mình tinh dầu quý hiếm. Do đó, nhiều khách mua cà cuống về sẽ rửa sạch rồi cho lên bếp nướng. Sau đó, họ cắt nhỏ và bỏ trực tiếp vào mắm hoặc ngâm dùng dần".
Hoặc để tiện lợi hơn, nhiều khách hàng mua cà cuống về chiết xuất thành tinh dầu, bảo quản trong lọ kín. Mỗi lần ăn, họ chỉ cần mang ra nhỏ 1-2 giọt vào bát nước chấm là được”.
Do giá cà cuống đắt đỏ nên hầu như khách lẻ chỉ mua vài con đến chục con. Riêng nhà giàu, nhà có điều kiện hoặc nhà hàng, quán ăn mới đặt mua 0,5kg đến 1kg.
Người đàn ông này nói thêm, 1kg cà cuống thường gồm 80-100 con, tùy con to hay nhỏ. Tính ra, 1kg cà cuống có giá khoảng 3,5 triệu đồng. Một ngày, anh Long bán được ít nhất từ vài chục con đến 200 cà cuống.
“Vào các ngày lễ Tết, cà cuống được rất nhiều khách hàng hỏi mua để ngâm mắm, lấy tinh dầu làm gia vị cho các món ăn liên hoan như bánh cuốn, bún chả, bún thang... Có khách ăn sang hơn thì rang cà cuống lên để làm mồi nhậu. Song do nguồn hàng khan hiếm, nên nhà mình cũng không nhiều để bán. Khách muốn lấy phải đặt trước ít nhất cả tuần thì mình mới chuyển hàng về trả”.
Ngoài bán cà cuống tươi sống nguyên con, anh Long còn nhập thêm một vài sản phẩm khác được chiết xuất từ cà cuống với mức giá không hề rẻ, như: Nước mắm cà cuống nguyên con (ngâm 10 con đực) 500.000 đồng/chai, tinh dầu cà cuống 300.000 đồng/lọ, rượu cà cuống 1,2 triệu/bình 2 lít.
Là một kỹ sư xây dựng, anh Trần Văn Kiên ở Cầu Diễn, Hà Nội vừa đặt mua 0,5kg cà cuống đực để về ngâm rượu và ngâm mắm. Dù giá của chúng đắt nhưng anh rất ưa chuộng loại côn trùng này.
“Cà cuống đực có mùi tinh dầu bên trong tựa như mùi quế. Khi lấy tinh dầu ra, vợ mình thường để ngâm mắm hoặc ngâm rượu cho chồng. Ăn cơm ở nhà nước chấm lúc nào cũng có vị cà cuống quen rồi. Vì nước chấm cà cuống có mùi thơm nhè nhẹ của quế và dầu chuối, nên giờ mà không có cà cuống thấy nước chấm nhạt nhẽo lắm”, anh Kiên nói.
Anh Kiên kể rằng, nhà anh có tinh dầu cà cuống ăn hầu như quanh năm. Vì thế, bạn bè khi đến nhà anh ăn uống, thấy bát nước chấm cà cuống và rượu cà cuống có mùi lạ thường khen tới tấp bởi đây là một món ăn độc đáo, lạ miệng ít người biết.
Theo Thảo Nguyên (VietNamNet)