Thông tin được phát đi tối 11/12 cho biết, danh sách 12 dự án thép bị loại khỏi quy hoạch ngành có 4 dự án do địa phương đề nghị loại bỏ, 2 dự án do không xác định được chủ đầu tư, 2 dự án do không đáp ứng được yêu cầu, 1 dự án do triển khai chậm, 1 dự án do không nằm trong quy hoạch và 1 dự án do chủ đầu tư xin không thực hiện.
Trong số 12 dự án thép bị loại bỏ khỏi quy hoạch, quy mô lớn nhất thuộc về dự án mở rộng dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 3, do Công ty CP gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư, quy mô 1 triệu tấn gang, sắt xốp/năm và 1 triệu tấn phôi vuông/năm. Dự án này bị loại bỏ do "năng lực chủ đầu tư kém". Hiện giai đoạn 2 của dự án này cũng đang chậm tiến độ 8 năm và đang chờ phương án xử lý từ phía cơ quan quản lý.
Ngoài ra, danh sách còn một số dự án khác bao gồm: Nhà máy phôi thép Lào Cai; Nhà máy sản xuất gang Thiên Thanh; Dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép Khoáng sản Việt tại Cao Bằng; Nhà máy luyện cán thép chất lượng cao của Công ty TNHH thép Kyoei Việt Nam, tỉnh Ninh Bình; Nhà máy thép Việt Ý giai đoạn 2; Nhà máy thép Hậu Giang 2 giai đoạn của Tổng Công ty Thép Việt Nam, tỉnh Hậu Giang...
Bộ Công Thương cho biết sẽ rà soát tiếp để có thể bổ sung, chỉnh sửa và tiếp thu các ý kiến cho dự thảo lần 3. Quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.
Báo cáo từ Bộ Công Thương trước đó cho thấy, giai đoạn đến 2020 có 29 dự án sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, theo kết quả phân tích, đánh giá, có 14 dự án ít hoặc không khả thi, cần rà soát lại và có phương án xử lý phù hợp. Các dự án này hoặc không đáp ứng yêu cầu hoặc không có khả năng triển khai.
Song song với việc loại bỏ một số dự án khỏi quy hoạch ngành thép, Bộ Công Thương cũng đã và đang bổ sung và điều chỉnh công suất, chủng loại sản phẩm một số dự án vào trong quy hoạch trong thời gian qua.
Trong số dự án thép được bổ sung vào quy hoạch có Dự án đầu tư mở rộng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát giai đoạn 3 và Dự án mở rộng nâng công suất sản xuất thép Khu liên hợp gang thép Hòa Phát giai đoạn 1 của CTCP thép Hòa Phát là đã thực hiện xong, nâng tổng công suất toàn Khu liên hợp lên 1,7 triệu tấn thép các loại.
Dự án Nhà máy phôi thép Nghi Sơn được điều chỉnh thành dự án Liên hợp gang thép Nghi Sơn của CTCP gang thép Nghi Sơn, được chia thành 3 giai đoạn, thời gian thực hiện đến năm 2028 với tổng công suất thiết kế là 2 triệu tấn phôi vuông và 5 triệu tấn phôi dẹt. Theo dự kiến, dự án sẽ triển khai thực hiện đầu năm 2017 khi công tác xây dựng cầu cảng Nghi Sơn hoàn thành.
Dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận của CTCP Tập đoàn Hoa Sen được chia thành 5 giai đoạn, thời gian thực hiện đến năm 2031 với tổng công suất thiết kế cả 5 giai đoạn là 16 triệu tấn phôi vuông.
Tổng công suất thiết kế của 28 dự án đang sản xuất phôi thép đạt 12,7 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, chỉ có 15 dự án sản xuất phôi có công suất thiết kế ≥ 400.000 tấn/năm, đạt 10 triệu tấn/năm, còn lại là các dự án nhỏ.
Theo Bộ Công Thương, giai đoạn tới, cần tiếp tục đầu tư vào ngành thép các dự án mới với công suất phù hợp để dần thay thế, loại bỏ các dự án có công suất nhỏ, hoạt động kém hiệu quả, công nghệ lạc hậu, tiêu thụ năng lượng lớn, phát thải cao ảnh hưởng tới môi trường.
Theo Phương Dung (Dân Trí)