Người tiêu dùng điện thắc mắc con số lỗ tỷ giá lên đến 1.200 tỉ đồng mà TKV đưa ra trong phạm vi đơn vị mình (hay 12.000 tỉ đồng mà EVN dự báo cho cả ngành điện) để đòi tính vào giá điện là căn cứ vào đâu? Tại sao giá điện ở Việt Nam lại “nhạy cảm” với sự thay đổi tỷ giá đến vậy?
Thị trường điện Việt Nam đang là thị trường điện không có cạnh tranh thực sự. Tuy thị trường phát điện cạnh tranh đã vận hành được ba năm, đã minh bạch hơn nhưng vẫn còn nhiều bất cập, nhất là giá mua điện.
Tổng công ty Điện lực Vinacomin (TKV) đưa ra con số lỗ 1.200 tỉ đồng do chênh lệch tỷ giá và cũng đề xuất tính vào giá điện. Ảnh: qtv.vn |
Với cách thức xác định giá điện như vậy thì sự biến động tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến giá mua điện của nhà máy điện chủ yếu nằm ở hai khía cạnh. Thứ nhất, tỷ giá biến động sẽ làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ vay của các nhà máy điện vay vốn bằng ngoại tệ để đầu tư xây dựng và do đó tác động đến giá cố định bình quân. Thứ hai, tỷ giá biến động sẽ ảnh hưởng đến các nhà máy điện sử dụng nguyên liệu nhập khẩu (như than nhập khẩu) hoặc sử dụng nguyên liệu có giá được xác định theo giá thị trường quốc tế (như khí) và do đó tác động đến giá biến đổi.
Khoản 1, điều 13, Thông tư 56 còn quy định rõ “hàng năm, căn cứ tổng vốn vay ngoại tệ, kế hoạch trả nợ vốn vay ngoại tệ, số liệu trả nợ gốc vay thực tế, tỷ giá quy đổi đã được hai bên thỏa thuận trong phương án giá điện, tỷ giá quy đổi thực hiện năm liền kề trước, hai bên thực hiện tính toán chênh lệch tỷ giá và đề xuất phương án thanh toán gửi Cục Điều tiết điện lực kiểm tra trình Bộ Công Thương xem xét quyết định phương án thanh toán”. Đây chính là nguyên nhân mà ngay khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá thì gần như lập tức ba ông lớn EVN, PVN, TKV đưa ra đề nghị trên.
Nhưng con số 1.200 tỉ đồng không đáng tin cậy
Sự tăng hay giảm giá điện phải dựa trên những lý do xác đáng liên quan đến chi phí đầu vào một cách hợp lý của hoạt động sản xuất và phân phối điện trên nền tảng một thị trường điện có tính cạnh tranh đủ mạnh. |
Thứ nhất, tỷ giá tăng làm tăng giá vốn bán điện do các chi phí được tính theo ngoại tệ hoặc doanh nghiệp bán điện theo giá tính bằng ngoại tệ nhưng khi tỷ giá tăng thì vẫn bị tính theo tỷ giá cũ và do đó doanh nghiệp bị mất phần doanh thu tăng thêm do tỷ giá tăng. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2015, doanh thu phát điện của TKV khoảng 7.300 tỉ đồng, tổng chi phí khoảng 7.150 tỉ đồng, do vậy nếu tỷ giá tăng 5% sẽ làm cho doanh nghiệp “lỗ” dao động từ 356,5 tỉ đồng đến 365 tỉ đồng.
Thứ hai, tỷ giá tăng làm tăng nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ bằng ngoại tệ. Theo bản công bố thông tin phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của TKV, thì đến 31-12-2014, tổng dư nợ vay dài hạn của TKV là 16.554 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản vay bằng ngoại tệ. Theo tính toán của TKV, nếu tỷ giá thay đổi 1% thì doanh nghiệp sẽ “lỗ” khoảng 140 tỉ đồng, do vậy tính từ đầu năm tỷ giá tăng khoảng 5% thì doanh nghiệp lỗ 700 tỉ đồng. Tổng cộng, doanh nghiệp sẽ “lỗ” khoảng 1.100 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ở đây cần lưu ý hai vấn đề. Đó là nếu sự biến động tỷ giá (trường hợp này là tăng 5%) được tính ngay vào giá vốn hoặc doanh thu thì phần tăng thêm này đã bao gồm cả phần “lỗ” tỷ giá từ khoản vay ngoại tệ (và trong nhiều trường hợp nếu tính biến động tỷ giá vào ngay giá bán hàng năm thì doanh nghiệp sẽ được hưởng khoản lợi lớn do doanh thu (hoặc giá vốn) tăng lớn hơn tổng khoản lỗ tỷ giá mà doanh nghiệp phải chịu cho đến khi trả hết nợ).
Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 là ví dụ điển hình cho trường hợp này khi giá bán được tính bằng ngoại tệ quy đổi và do vậy doanh nghiệp không được tính khoản lỗ tỷ giá từ khoản vay ngoại tệ để yêu cầu tăng giá điện. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chỉ tính lỗ tỷ giá do đánh giá lại khoản nợ có gốc ngoại tệ thì như đã phân tích trong bài Tỷ giá và câu chuyện lỗ thực, lỗ ảo (TBKTSG số 36, ra ngày 3-9-2015) thì thực tế đây chỉ là khoản “lỗ ảo” trong khi khoản lỗ thực là rất thấp. Nói cách khác, con số “lỗ thực” từ tỷ giá biến động theo cách tính này là rất thấp so với con số do TKV đưa ra.
Còn nếu tính theo Thông tư 56, thì tỷ giá thay đổi làm tăng giá cố định bình quân do sự tăng lên của nghĩa vụ nợ đối với các khoản vay bằng ngoại tệ. Cụ thể ở đây là giá cố định bình quân sẽ tăng 700 tỉ đồng khi tỷ giá tăng 5% theo tính toán của doanh nghiệp. Tương tự, tỷ giá tăng sẽ làm tăng giá biến đổi do sự tăng giá đầu vào của nguyên liệu khi giá các nguyên liệu này được tính bằng ngoại tệ. Với chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 60-70% giá vốn thì với tổng chi phí 7.150 tỉ đồng, khi tỷ giá tăng 5% sẽ làm cho giá biến đổi tăng tối đa chưa đến 260 tỉ đồng. Tổng cộng, doanh nghiệp sẽ “lỗ” chưa đến 1.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, giá cố định bình quân tăng thêm 700 tỉ đồng do lỗ đánh giá lại tỷ giá chỉ là “giá ảo”, mức giá thực tăng thêm do “lỗ thực” tỷ giá nhỏ hơn nhiều. Đồng thời, thực tế các nhà máy nhiệt điện thuộc TKV chủ yếu dùng than trong nước với giá tính theo VND nên ảnh hưởng của tỷ giá là không đáng kể. Do đó, mức lỗ thực do sự biến động tỷ giá theo cách tính này cũng rất thấp so với con số 1.200 tỉ đồng.
Như vậy, trong cả hai cách tính, con số lỗ tỷ giá do TKV đưa ra là hoàn toàn không đáng tin cậy, con số lỗ thực là thấp hơn rất nhiều.
Tại sao giá điện nhạy cảm với tỷ giá?
Câu trả lời đó chính là sự độc quyền có tính chất nhà nước trong hoạt động kinh doanh điện ở Việt Nam. Thông tư 56 nói trên nhằm mục đích quản lý giá mua bán điện giữa EVN và nhà máy điện nhằm đảm bảo giá mua điện từ các nhà máy điện (theo thông tư này) đáp ứng được hai điều kiện là chủ đầu tư chi trả các khoản chi phí hợp lý toàn bộ đời sống kinh tế dự án và tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR) không vượt quá 12%. Có nghĩa là thông tư này đang làm nhiệm vụ đảm bảo cho dự án xây dựng các nhà máy điện “đủ ăn nhưng đồng thời không quá giàu” để vừa khuyến khích đầu tư vào ngành điện nhưng đồng thời không để giá bán điện “quá cao”.
Các mục tiêu này có lẽ đã không đạt được, thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, việc đảm bảo cho các dự án điện “đủ ăn” đã làm cho các dự án nhà máy điện, nhất là các dự án thuộc sở hữu nhà nước, trở nên lãng phí và do đó, làm cho giá vốn phát điện tăng cao.
Thứ hai, việc khống chế tỷ suất IRR không vượt quá 12% đã làm cho việc đầu tư vào ngành điện trở nên kém hấp dẫn so với các lĩnh vực khác có IRR lớn hơn hoặc ngang bằng nhưng ít rủi ro hơn hay yêu cầu về vốn thấp hơn.
Diễn biến đòi tăng giá điện vì lỗ tỷ giá Vào ngày 3-9-2015, tức chỉ hơn hai tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá và biên độ giao dịch làm VND bị mất giá 3% so với USD so với trước thời điểm điều chỉnh và 5% nếu tính từ đầu năm, ba đơn vị là tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực dầu khí (PVN) và Tổng công ty Điện lực Vinacomin (TKV), nơi cung cấp khoảng 80% nguồn điện cho cả nước, đã họp với Bộ Công Thương và đề xuất tăng giá điện để bù lỗ tỷ giá. Trong đó, TKV đưa ra con số lỗ khủng 1.200 tỉ đồng do chênh lệch tỷ giá, còn EVN thì cho rằng nếu cộng tất cả các con số mà cả TKV và PVN đưa ra trong lĩnh vực điện thì khả năng khoản phát sinh lỗ do tỷ giá có thể gấp hơn 10 lần con số 1.200 tỉ đồng do TKV thống kê, tức hơn 12.000 tỉ đồng, tương đương 6,12% doanh thu bán điện tại Việt Nam trong năm 2014. Điều này có nghĩa là nếu các con số lỗ này được đưa vào giá điện thì ít nhất giá điện sẽ tăng 6% trong thời gian tới. |