Lo sợ rét đậm kéo dài, người Hà Nội tranh thủ đi mua thực phẩm tích trữ

24/01/2016 08:20:48

Sáng qua (23/1), nền nhiệt tại Thủ đô Hà Nội đã hạ xuống mức 10-11 độ C. Theo dự báo, tình trạng thời tiết rét đậm này sẽ kéo dài đến hết ngày 27/1. Lo sợ cảnh rét buốt kéo dài khiến giá thực phẩm tăng cao, nhiều người dân Hà Nội tranh thủ dịp cuối tuần để đi mua tích trữ.

Sáng qua (23/1), nền nhiệt tại Thủ đô Hà Nội đã hạ xuống mức 10-11 độ C. Theo dự báo, tình trạng thời tiết rét đậm này sẽ kéo dài đến hết ngày 27/1. Lo sợ cảnh rét buốt kéo dài khiến giá thực phẩm tăng cao, nhiều người dân Hà Nội tranh thủ dịp cuối tuần để đi mua tích trữ.

Sáng nay tại Thủ đô, chỉ cần bước chân ra khỏi cửa, người Hà Nội đã có thể nhận thấy cái lạnh tê tái bao trùm khắp cơ thể. Trời rét đậm với nền nhiệt hạ xuống chỉ còn khoảng 10-11 độ C cộng thêm độ ẩm không khí tăng cao, luôn ở ngưỡng gần 80% khiến cái lạnh càng trở nên tê buốt, như cứa vào da thịt.

Điều đáng nói là theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, hình thái thời tiết này sẽ tiếp tục duy trì đến khoảng ngày 27/1.

Nghe tin thời tiết sẽ tiếp tục rét đậm, rét hại trong nhiều ngày tới, không ít người dân Thủ đô đã tranh thủ đi chợ, siêu thị để mua sắm, tích trữ lương thực, thực phẩm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số chợ như chợ Bưởi, Long Biện (Tây Hồ), chợ Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy)... giá cả các loại thực phẩm hầu như không có biến động nhiều. Riêng một số loại rau xanh như rau muống, rau cần, cải cúc hay ngọn su su, giá có chênh lệch từ 2.000-3.000 đồng/kg so với mọi ngày.

Tại các siêu thị lớn như Big C, Vinmart, Coop. mart, giá cả các loại thực phẩm đều ổn định. Thậm chí, dịp cuối tuần, nhằm kích cầu mua sắm, không ít siêu thị còn tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giảm giá mạnh các loại rau xanh, hoa quả.

Tranh thủ lúc trời tạnh mưa, nhiều người rủ nhau đi chợ mua rau xanh tích trữ ngày lạnh.

Những chiếc xe máy chở đầy thực phẩm như thế này xuất hiện rất nhiều.

Mọi người chủ yếu mua rau củ có thể để được lâu như cà rốt, bí đỏ, bí xanh, cà muối... cùng các loại hoa quả.

Tuy nhiên, lượng khách hàng tập trung mua sắm thực phẩm ở các khu chợ lớn hay siêu thị đều tăng gấp 2-3 lần so với bình thường.

Trao đổi với chúng tôi, chị Lan (dại diện phòng Marketing của Đại siêu thị Aeon Mall Long Biên) cho biết: "Bên mình dịp cuối tuần, khách thường tăng cao gấp 2 lần ngày thường. Các quầy rau, củ và thực phẩm đông lạnh cũng có lượng khách tăng gấp từ 2-3 so với mọi khi. Hôm nay dù chưa có thống kê chính xác nhưng mình cũng nhận thấy là khách ít nhất cũng đông gấp đôi so với mọi khi".

Lý giải về điều này, nhiều người cho biết, phần vì họ lo lạnh giá, rau củ lên chậm sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, giá cả theo đó sẽ bị đội lên cao. Phần khác vì lạnh giá, hầu như ai cũng ngại phải bước chân ra đường.

Từ sáng, nhiều bà nội chợ đã tay xách nách mang nhiều túi thực phẩm về tích trữ. Ảnh: Thu Hường.

Hôm nay lại là ngày cuối tuần, người Hà Nội có thể dậy muộn hơn, đi chợ muộn để tránh giá rét kinh hoàng. Cuối tuần, họ lại cũng có nhiều thời gian mua bán, thỏa sức tích trữ thực phẩm cho cả một tuần rét buốt trước mắt.

"Lạnh quá, cứ nghĩ đến tối không có sẵn đồ ăn trong nhà mà phải leo lên xe máy đi ra cửa hàng để ăn uống là mình đã thấy nản lắm rồi. Vì thế, sáng nay, mình bắt ông xã đưa đi chợ, hai vợ chồng tha lôi đủ các loại rau củ quả, thịt, cá chất lên xe máy về vứt vào tủ lạnh dùng dần", chị Nguyễn Thị Ngọc (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ.

Tại siêu thị, các quầy bán rau xanh cũng tấp nập khách.

Các quầy thực phẩm khô hoặc đông lạnh cũng nhộn nhịp người ra vào.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Nam (Thanh Xuân, Hà nội) tâm sự: "Nhà mình cũng khá gần siêu thị nên sáng nay mình tranh thủ đi mua sắm. Thực sự là vào đến siêu thị thì rất ấm nhưng chỉ cần bước chân ra bên ngoài là cái lạnh tê tái như thấm vào người nên mình rất ngại và thương bà xã (cười). Nếu không mua tích trữ thì những sáng sớm đầu tuần cũng phải lọ mọ đi chợ sớm thì vất vả quá".

Khung cảnh nhộn nhịp tại các quầy thực phẩm của siêu thị nhộn nhịp hơn ngày thường. Ảnh: Định Nguyễn.

Nắm bắt tâm lý lo sợ của người dân, nhiều tiểu thươnđược dịp "làm giá", cho rằng nếu trời tiếp tục rét buốt, giá rau xanh có thể sẽ tăng mạnh.

Bà Nguyễn Thị Lan bức xúc: "Tôi thấy chưa lạnh tiểu thương đã làm giá rồi. Sáng nay đi chợ, các loại rau xanh để lâu được như củ cải, bí xanh, bí đỏ đều có giá cao hơn mọi khi. Hỏi ra thì ai cũng bảo trời rét nên giá cả tăng cao. Tôi thấy hơi lạ, không biết vì sao họ cứ mặc định lạnh là giá rau tăng và làm như là thời tiết đã rét buốt từ lâu lắm rồi".
 
>> Người Hà Nội co ro trong đợt rét mạnh nhất kể từ đầu mùa

Theo Thu Hường (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật