Chi thưởng 1,7 tỷ đồng
Ngày 12/2/2018, SBIC đề nghị Bộ GTVT (chủ sở hữu của SBIC) được chi và ngay sau đó đã chi mức hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi cán bộ công nhân viên SBIC dịp Xuân Mậu Tuất (2018). Số tiền chi hỗ trợ được lấy từ quỹ lương kế hoạch tiết kiệm được. Như vậy, việc xin chi hỗ trợ tết (như một khoản thưởng tết) của SBIC chỉ được ký gửi đi trước hạn cuối đơn vị chi tiền đúng 1 ngày.
Người ký văn bản đề nghị Bộ GTVT là quyền Tổng Giám đốc SBIC- Cao Thành Đồng. Lý do đưa ra là: Dù lỗ lũy kế hết năm 2017 hơn 3.400 tỷ đồng, nhưng mức lỗ này đã giảm so với số lỗ kế hoạch năm 3.717 tỷ đồng. Nếu không kể số lỗ lũy kế trên, SBIC còn lãi 15,6 tỷ đồng. Ngoài ra, do đang thời kỳ tái cơ cấu, lao động công ty phải kiêm nhiệm nhiều việc, trong khi lao động không tăng thêm (thậm chí giảm), nhiều thời điểm lao động phải chịu sức ép lớn.
“Trải qua 1 năm làm việc hết sức khó khăn, xong với tinh thần đoàn kết, tập thể cán bộ công nhân viên và người lao động SBIC đã đạt được kết quả đáng khích lệ”, ông Đồng báo cáo. Theo đó, năm 2017, đã đạt và đạt vượt mức các chỉ tiêu cơ bản đề ra. Do đó, SBIC đề nghị Bộ GTVT cho phép sử dụng tiền từ quỹ lương kế hoạch tiết kiệm được để hỗ trợ tiền tết cho cán bộ công nhân viên công ty mẹ, với mức hỗ trợ bình quân 10 triệu đồng/người.
Với việc chi thêm số tiền hỗ trợ này, quỹ lương thực trả của SBIC bằng 68,2% quỹ lương kế hoạch năm (nếu không chi hỗ trợ trên, quỹ lương SBIC thực chi bằng 58,4% kế hoạch năm). “Trường hợp Bộ GTVT không chấp thuận khoản chi trên, SBIC sẽ trao đổi với công đoàn và người lao động để hoàn trả đầy đủ số tiền đã chi”, ông Đồng cam kết với bộ chủ quản.
Chiều 23/5, làm việc với PV Tiền Phong, quyền Tổng Giám đốc SBIC Cao Thành Đồng cho biết, khoản chi trên là hỗ trợ, không phải khoản thưởng đều cho tất cả mọi người. “Tiền đã chi trả xong hết. Số tiền chỉ hỗ trợ SBIC, không phải cho toàn tổng công ty”, ông Đồng nói. Trước nhiều câu hỏi của PV như “Việc chi hỗ trợ dựa trên quy định nào? Bộ GTVT có ý kiến ra sao? Việc công ty đang nợ thuế và nhiều lần bị cơ quan thuế đề nghị phong tỏa tài khoản để cưỡng chế, nhưng vẫn chi hỗ trợ tết cho nhân viên có hợp lý không?”, ông Đồng chỉ im lặng, sau đó nói sẽ ghi nhận, chuyển các bộ phận liên quan để trả lời.
Được biết, năm 2017, SBIC có 174 cán bộ công nhân viên. Với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/người, tính ra tổng số tiền SBIC chi ra cho cán bộ nhân viên ăn tết khoảng 1,7 tỷ đồng.
Đề xuất chưa có cơ sở, nhưng cần động viên
Sau khi nhận văn bản của SBIC, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo xin ý kiến Thủ tướng. Ngày 22/3, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Bộ GTVT hướng dẫn SBIC thực hiện theo các quy định hiện hành và theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, Bộ GTVT nêu rõ ý kiến của bộ và lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để thống nhất phương án, báo cáo Thủ tướng xem xét.
Thực tế, ngày 13/2/2018, Bộ GTVT có văn bản hỏa tốc báo cáo Thủ tướng về chi hỗ trợ cán bộ công nhân viên tại SBIC. Tại văn bản này, sau khi thuật lại đề xuất của SBIC, Bộ GTVT nêu ý kiến: Đề xuất của SBIC là chưa có cơ sở, chưa phù hợp với ý kiến của Bộ Tài chính về việc quản lý tập trung các nguồn vốn của SBIC. Tuy nhiên, việc động viên tinh thần, tạo động lực để giữ lực lượng lao động ở lại SBIC tiếp tục thực hiện công tác tái cơ cấu là cần thiết.
Tháng 3 vừa qua, Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu Cục Thuế Hà Nội khi có yêu cầu của Tổng cục Hải quan thì phối hợp thực hiện cưỡng chế thu hồi nợ thuế của SBIC, bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Do hiện tại SBIC có khoản nợ thuế hơn 133 tỷ đồng phát sinh từ trước năm 2015 (nợ từ thời Vinashin).
Theo Lê Hữu Việt (Tiền Phong)