Lo ngại phát sinh nợ xấu, bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT

03/01/2020 14:12:00

Sáng 3/1, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, đại diện bộ GTVT cho biết đơn vị đã có văn bản đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án BOT đang khai thác theo đúng lộ trình tăng giá đã ký kết với nhà đầu tư.

Tăng giá vé để tránh nợ xấu?

Theo lộ trình, tính đến hết năm 2019, cả nước có 37 dự án phải tăng phí theo hợp đồng BOT (trong đó năm 2018 có 2 dự án, năm 2019 có 35 dự án), năm 2020 có 10 dự án, năm 2021 có 2 dự án, các dự án còn lại cơ bản tăng phí sau năm 2021.

Bộ GTVT cho rằng, nếu việc thu phí BOT được triển khai không đúng với hợp đồng trước đó, nguy cơ sẽ xảy ra đổ vỡ phương án tài chính, kéo dài thời gian hoàn vốn, phát sinh nợ xấu cho ngân hàng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Lo ngại phát sinh nợ xấu, bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT
Bộ GTVT đề xuất tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án BOT theo lộ trình.

Do đó, bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép thực hiện điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án BOT đang khai thác theo đúng lộ trình tăng giá đã ký kết với nhà đầu tư để hoàn vốn cho các dự án.

Được biết, đây không phải lần đầu bộ GTVT đề xuất về việc tăng giá vé trại các trạm BOT theo lộ trình. Cách đây không lâu, bộ cũng đã có văn bản đề xuất tăng giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại các dự án BOT nhưng không nhận được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Do đó bộ GTVT chưa thực hiện việc tăng phí theo lộ trình trong các hợp đồng BOT, thời gian dừng tăng phí tới năm 2021.

Cùng trao đổi về vấn đề này, TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế nhận định: "Trước tiên, có thể thấy đề nghị tăng phí tại các dự án BOT của bộ GTVT là hợp lý khi căn cứ theo các công thức tính toán, theo hợp đồng kinh tế đã kí kết với nhà đầu tư. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ xem những chi phí này có thật sự hợp lý hay không?

Việc Chính phủ đồng ý tăng giá vé tại các dự án BOT đồng nghĩa với việc các dự án này đều đầu tư hợp lý. Nhưng theo quan điểm cá nhân tôi cũng như thực tế hiện nay có thể thấy rằng vẫn còn một số trường hợp tại các dự án BOT đã có mức chi phí đội lên không hợp lý. Việc này vô hình trung người dân lại là những người phải gánh chịu những chi phí đó".

"Nếu bộ GTVT muốn tăng phí tại các dự án BOT thì đơn vị phải khẳng định đã rà soát chi phí tại các dự án đó, việc này phải được sự xác nhận, kiểm tra của cơ quan chức năng", TS. Đinh Thế Hiển khẳng định.

Sẽ “xả trạm” BOT nếu xảy ra ùn tắc kéo dài trong dịp Tết Nguyên đán

Ngoài ra, đại diện bộ GTVT cho biết, để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Canh Tý năm 2020, Tổng cục ĐBVN, bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo nhà đầu tư BOT và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) yêu cầu các trạm thu phí BOT có phương án tăng cường bố trí nhân viên bán vé, tăng số cửa thu soát vé. Trường hợp ùn tắc kéo dài, phải mở cửa trạm để giải quyết ùn tắc giao thông theo quy định hoặc phân luồng, điều tiết giao thông khi cần thiết tránh gây ùn tắc.

Lo ngại phát sinh nợ xấu, bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT - 1
Sẽ xả trạm BOT nếu xảy ra ùn tắc kéo dài trong dịp Tết Nguyên đán.

Tổng cục yêu cầu các đơn vị quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu để bổ sung kịp thời; tăng cường lực lượng tổ chức giao thông, phân luồng hợp lý, hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt; bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí; có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, đặc biệt trên các tuyến giao thông trọng điểm; có phương án bố trí nhân lực ứng trực để phối hợp tốt với các lực lượng chức năng tổ chức điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc.

Đôn đốc các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng đường triển khai bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường được giao; ưu tiên trọng tâm quét dọn, vệ sinh trên mặt đường, mặt cầu, dặm vá ổ gà, sửa chữa khe co giãn hư hỏng, xử lý hằn lún, phát quang cây cỏ; chỉ đạo các đơn vị thi công đường đang khai thác có phương án tổ chức giao thông, hoàn trả mặt đường, bảo đảm phương tiện lưu thông an toàn, không để ùn tắc do việc thi công công trình gây nên.

Tổng cục ĐBVN cũng yêu cầu các đơn vị phải kiểm tra, xử lý các vi phạm trong thi công đường đang khai thác; chấn chỉnh các chủ đầu tư, nhà thầu không thực hiện đầy đủ biển báo hiệu, cọc tiêu, rào chắn, đèn tín hiệu ban đêm, chỉ dẫn giao thông. Trong dịp Tết, các đơn vị dừng mọi hoạt động thi công theo quy định, trước khi dừng thi công, phải thu dọn, hoàn trả công trường thông thoáng, bảo đảm ATGT, an toàn công trình”.

Ngoài ra, cần chuẩn bị vật tư, phương tiện thiết bị và bố trí cán bộ, lãnh đạo thường trực để xử lý, khắc phục thiên tai, bão lũ, hư hỏng công trình; cảnh báo, tuyên truyền để các lái xe, nhất là xe chở khách qua đèo dốc, có ảnh hưởng của sương mù, trơn trượt tiềm ẩn mất ATGT, điểm đen về tai nạn giao thông trên đường bộ.

Theo Nguyễn Lâm (Nguoiduatin.vn)