Giám đốc một công ty du lịch ở TP HCM cho biết công ty đang có khoản vay vốn lưu động tại một ngân hàng (NH) cổ phần nhưng chưa xoay được nguồn trả vì nhiều tháng qua, ngành du lịch "đóng băng" do dịch Covid-19. Phương án xin NH cho cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn trả nợ cũng được giám đốc công ty này tính đến nhưng nếu vậy, đồng nghĩa với nguy cơ khoản vay sẽ bị chuyển nhóm nợ, ảnh hưởng đến việc vay vốn sau này.
Không có doanh thu trả nợ
Chị M.H, chủ một cơ sở làm đẹp ở TP HCM, đang có khoản vay cá nhân tại NH cổ phần nhưng do ảnh hưởng dịch, hoạt động kinh doanh phải dừng lại theo quy định khiến khoản vay không thể trả nợ đúng hạn. "Tôi làm đơn xin giãn nợ thì NH nói được nhưng phải chuyển nhóm nợ, nguy cơ thành nợ xấu, nếu sau thời gian cơ cấu mà tôi không trả đúng hạn. Còn không cơ cấu thì khoản vay lập tức bị chuyển thành nợ xấu" - chị M.H lo ngại.
Diễn biến kéo dài, phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội, ở nhiều địa phương khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh càng khó.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong 7 tháng của năm 2021, cả nước có gần 79.700 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ. Trong đó, gần 40.400 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 28.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể… Trung bình mỗi tháng có gần 11.400 DN rút khỏi thị trường.
Ghi nhận từ phía NH thương mại, xu hướng đẩy mạnh rao bán tài sản, rốt ráo thu hồi nợ vay đang được nhiều NH triển khai. Nếu trước đây, những khoản nợ rao bán đấu giá, thanh lý phần lớn là bất động sản gồm đất, căn hộ, nhà ở… thì nay tài sản thế chấp được rao bán đủ loại, từ khách sạn, trung tâm thương mại, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, ôtô đến các khoản vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân. Xu hướng rao bán toàn bộ tài sản thế chấp của các DN sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, thương mại, từ nhà xưởng đến máy móc, thiết bị cũng diễn ra nhiều hơn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), phân tích hiện tổng dư nợ tín dụng được cơ cấu lại theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 là 347.000 tỉ đồng. Nhưng con số này có khả năng sẽ còn lớn hơn. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, "sức khỏe" của DN và nền kinh tế là hết sức khó khăn. Không chỉ riêng lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch bị ảnh hưởng mà rất nhiều lĩnh vực khác cũng chịu tác động; kể cả những đơn vị sản xuất - kinh doanh có hiệu quả trước đây, dù có đơn hàng, có hợp đồng, nay vẫn phải ngừng sản xuất - kinh doanh, đóng cửa do công nhân bị nhiễm bệnh.
"Nền kinh tế và DN bị ảnh hưởng sẽ tác động trực tiếp đến NH. DN sẽ không có tiền để trả nợ vay, trong khi NH phải tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03/2021 trong giai đoạn 3 năm. Chắc chắn nợ xấu sẽ phát sinh và gia tăng trong thời gian tới" - ông Nguyễn Quốc Hùng lo ngại.
Cần có luật về xử lý nợ xấu
TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhận định diễn biến phức tạp của dịch bệnh và những khó khăn của cả DN, người dân sẽ là nguy cơ, rủi ro đối với hoạt động của ngành tài chính - NH. Trong 6 tháng đầu năm nay, dù hoạt động kinh doanh của nhiều tổ chức tín dụng tiếp tục khả quan nhưng nợ xấu đang gia tăng, dự báo tăng khoảng 8%-10% so với cuối năm ngoái. Kết quả kinh doanh cuối năm sẽ khác bởi các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro với lộ trình 3 năm tới cho các khoản nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 03.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp khiến nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ngưng trệ sẽ còn tác động tiêu cực đến DN, người dân (là khách hàng của tổ chức tín dụng), dẫn đến nợ xấu tiếp tục tăng trong thời gian tới. TS Cấn Văn Lực dự báo tỉ lệ nợ xấu có thể lên đến 2,5% vào cuối năm 2021.
Để xử lý nợ xấu, trên cơ sở kết quả theo dõi, giám sát về nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, NH Nhà nước đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tình hình nợ xấu, xử lý nợ xấu, trong đó đã đưa ra dự báo diễn biến về nợ xấu trong 6 tháng đầu năm trên cơ sở kịch bản kinh tế vĩ mô. Đồng thời đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm hạn chế, giảm thiểu rủi ro đối với sự ổn định, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng.
"Dưới tác động của dịch Covid-19, tỉ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2021, NH Nhà nước cũng đã có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng đánh giá thực trạng hoạt động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2022. Từ đó, NH Nhà nước sẽ rà soát, xây dựng các kịch bản xử lý nợ xấu đến cuối năm nay và cuối năm 2022" - đại diện NH Nhà nước cho hay.
Hiện NH Nhà nước cũng đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân về đề nghị xây dựng Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Trong tờ trình về đề nghị xây dựng Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, NH Nhà nước cho hay Nghị quyết 42 của Quốc hội là nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu nên hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm, đến tháng 8-2022 sẽ hết hiệu lực thi hành. Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, tổ chức tín dụng sẽ không được ưu tiên áp dụng một số chính sách như tại nghị quyết này. Điều này sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu, cũng như quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Do đó, việc ban hành luật để tiếp tục duy trì các chính sách xử lý nợ xấu là cần thiết.
Theo NH Nhà nước, nợ xấu trong thời gian tới sẽ gia tăng do đại dịch Covid-19 khiến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, việc kiểm soát tỉ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 2% thời gian tới được coi là thách thức không nhỏ đối với ngành NH, nên vẫn cần có cơ chế để tiếp tục xử lý nợ xấu, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực.