Lên sàn UPCoM với số lỗ hơn 1.900 tỉ đồng, 272 triệu cổ phiếu ĐHB (Đạm Hà Bắc), sau hơn một ngày chào bán đã không có bất cứ giao dịch mua bán nào dù giá tham chiếu chỉ 6.800 đồng/cổ phiếu.
Với khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 1.900 tỉ đồng, nhà đầu tư không mặn mà mua cổ phiếu của Đạm Hà Bắc - Ảnh: LB |
Ngày 26-7, 272 triệu cổ phiếu DHB được chính thức giao dịch ngày trên sàn UPCoM của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), với mức giá tham chiếu là 6.800 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, bước sang ngày giao dịch thứ hai, ngày 27-7, thị trường vẫn không ghi nhận bất cứ hoạt động mua, bán nào của các nhà đầu tư với mã cổ phiếu DHB này.
UPCoM là sàn giao dịch dành cho các công ty đại chúng chưa niêm yết.
Tính theo mức giá 6.800 đồng/cổ phiếu này, giá trị vốn hóa thị trường của công ty vào khoảng 1.850 tỉ đồng, thấp so với vốn điều lệ 2.722 tỉ đồng.
Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc là doanh nghiệp nằm trong danh sách 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỉ của ngành công thương, và đang “ôm” khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 1.900 tỉ đồng.
Đạm Hà Bắc tiền thân là Nhà máy Phân đạm Hà Bắc thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), được khởi công xây dựng từ đầu năm 1960, do Bộ Công Thương (trước đây là Bộ Công nghiệp Nặng) trực tiếp quản lý.
Đây là nhà máy sản xuất phân đạm đầu tiên của Việt Nam, được ví như “cánh chim đầu đàn” của ngành phân bón.
Năm 2016, Đạm Hà Bắc chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 2.722 tỉ đồng, trong đó Vinachem nắm giữ 97,66% vốn cổ phần.
Sản phẩm phân đạm urê chiếm đến hơn 80% tổng doanh thu của Đạm Hà Bắc. Ngoài ra đạm Hà Bắc kinh doanh các sản phẩm như hóa chất, amoniac lỏng…
Trong vòng 3 năm trở lại đây, Đạm Hà Bắc liên tục thua lỗ, và nằm trong danh sách 12 đại dự án kém hiệu quả của ngành công thương.
Cụ thể, năm 2015 công ty này lỗ 679,7 tỉ đồng, năm 2016 lỗ 1.040 tỉ đồng và dự kiến năm 2017 tiếp tục lỗ 847 tỉ đồng.
Tuy nhiên, hơn cả dự kiến, kết quả kinh doanh ngay trong quý 1-2017 của Đạm Hà Bắc đã ghi nhận mức lỗ thêm 218 tỉ đồng.
Như vậy tổng số lỗ lũy kế của Đạm Hà Bắc đã lên đến 1.939 tỉ đồng.
Các khoản lỗ được ghi nhận kể từ khi đạm Hà Bắc thực hiện dự án cải tạo, mở rộng nhà máy có tổng mức đầu tư khoảng 568,6 triệu USD (tương đương 10.122 tỉ đồng).
Trong số này vốn vay của các ngân hàng trong nước là hơn 8.000 tỉ đồng, vốn tự có là 1.800 tỉ đồng.
Mặc dù được phép lỗ trong 2 năm đầu nhưng trên thực tế đạm Hà Bắc đã lỗ vượt dự toán.
Theo báo cáo tài chính của Đạm Hà Bắc được ghi nhận đến cuối năm 2016, tổng nợ phải trả của công ty này lên tới 8.869 tỉ đồng, tăng 770 tỉ đồng so với đầu năm.
Trong số đó, riêng khoản nợ thuê tài chính dài hạn lên tới 7.439 tỉ đồng, còn vay nợ thuê tài chính ngắn hạn là 643 tỉ đồng.
Công ty này có tổng tài sản là 9.909 tỉ đồng, giảm 275 tỉ đồng so với đầu năm.
Theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Công Thương về yêu cầu xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém ngành công thương, Vinachem đang tích cực tái cơ cấu hoạt động trên cơ sở cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Mới đây, Bộ Công Thương cũng đang tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ bảo hộ cho phân bón, nhằm hỗ trợ cho các nhà máy phân bón trong đó có Đạm Hà Bắc phục hồi trở lại.
Theo Minh Ngọc (Tuổi Trẻ)