Lộ diện 'ông lớn' ngân hàng có lợi nhuận gần tỷ USD

16/01/2023 13:53:55

Quán quân lợi nhuận năm 2022 thuộc về ngân hàng Vietcombank với mức lãi riêng lẻ tăng gần 40%, lên 36.774 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng khác cũng tăng trưởng mạnh, bất chấp những biến động bất lợi của nền kinh tế thời gian qua.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng gần 40% so với năm 2021 (khoảng 36.774 tỷ đồng, đạt 119% kế hoạch năm 2022).

Trong đó, biên lợi nhuận (NIM) đạt 3,51%, tăng 0,24 điểm % so với năm 2021. Trong năm qua, tín dụng của Vietcombank tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021. Thu nhập ngoài lãi của nhà băng này cũng tăng 9,2% so với năm 2021, hoàn thành 108,7% kế hoạch năm 2022. Thu thuần kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng tăng trưởng 31,7% so với năm 2021, hoàn thành 124% kế hoạch năm 2022. Thu hồi nợ ngoại bảng đạt 2.393 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 80% kế hoạch năm...

Lộ diện 'ông lớn' ngân hàng có lợi nhuận gần tỷ USD
Vietcombank giữ ngôi vị quán quân về lợi nhuận của ngành ngân hàng

Vietcombank cũng có chất lượng tài sản lành mạnh khi nợ xấu duy trì ở mức thấp, chỉ chiếm 0,67% tổng dư nợ; tiếp tục giữ ngôi vị quán quân về lợi nhuận của ngành ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông tin đến hết năm 2022, tổng tài sản đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng gần 21% so với năm 2022. Đây là ngân hàng thương mại đầu tiên tổng tài sản vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.

Tổng nguồn vốn huy động trong năm qua của BIDV đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 21,1% so với đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư của nhà băng này đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm, trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm, cao hơn mức thực hiện năm 2021 (11,8%), đảm bảo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao (12,7%). Nhà băng này đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 23.190 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đà tăng trưởng có chậm hơn khi lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 ước đạt 20.500 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước. Thông qua các giải pháp quản trị rủi ro hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng được kiểm soát ở mức thấp (xấp xỉ 1,2%), tỷ lệ bao phủ nợ xấu xấp xỉ 190% (tăng 10% so với năm 2021). Thu hồi nợ xử lý rủi ro của nhà băng này rất tích cực với kết quả thu hồi nợ gốc lãi xử lý rủi ro tăng hơn 60% so với số thu năm 2021.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng đã hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận 20.000 tỷ đồng được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước giao năm 2022. Theo đó, lợi nhuận của ngân hàng này tăng khoảng 40% so với năm trước.

Với kết quả này, Agribank cùng hai "ông lớn" khác là BIDV, VietinBank ghi nhận mức lợi nhuận tiệm cận ngưỡng một tỷ USD (23.000 tỷ đồng).

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 16/1, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - cho biết, lợi nhuận ngân hàng không chỉ phản ánh hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, làm cơ sở nền tảng để đảm bảo khả năng, năng lực cho các tổ chức tín dụng và hệ thống ngân hàng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Lộ diện 'ông lớn' ngân hàng có lợi nhuận gần tỷ USD - 1
Ngân hàng có lợi nhuận giúp nâng cao khả năng đáp ứng vốn cho doanh nghiệp

“Kết quả hoạt động ngân hàng tốt, với việc đạt được lợi nhuận sẽ đảm bảo cho các tổ chức tín dụng, cho ngành ngân hàng thực hiện tốt hơn vai trò của định chế tài chính trung gian. Trong đó, nguồn thu lợi nhuận góp phần bổ sung tăng trưởng vốn, nâng cao năng lực tài chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, từ đó mở rộng và nâng cao khả năng đáp ứng vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp và nền kinh tế” - ông Lệnh nhận xét.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM khẳng định, chỉ có kinh doanh hiệu quả, đạt được lợi nhuận mới đảm bảo an toàn trong hoạt động của mỗi tổ chức tín dụng và của ngành ngân hàng. Kinh doanh có lãi, tăng trưởng lợi nhuận mới tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng và chu chuyển vốn trong toàn bộ nền kinh tế thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Uyên Phương (Tiền Phong)

Nổi bật