“Đứt gãy ở Thâm Quyến và Quảng Đông là rất lớn. Chỉ riêng đình trệ xuất khẩu hàng hóa tại hai khu vực này cũng đủ để tạo ra tác động trong chuỗi cung ở mức độ chưa có tiền lệ”, Brian Glick, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành nền tảng cung ứng Chain.io nhận định.
Vận tải biển quốc tế liên tục gặp phải nhiều thách thức trong thời gian gần đây. Đầu tiên là tình trạng thiếu hụt vỏ container do tác động của đại dịch gắn với xu hướng mất cân đối trong cán cân giao thương toàn cầu. Kế đến là sự cố siêu tàu chở hàng Ever Given mắc kẹt trên kênh đào Suez. Và giờ đây là nguy cơ đến từ các ổ dịch ở Trung Quốc. Tỉnh Quảng Đông gần đây ghi nhận số số ca mắc COVID-19 mới tăng bất thường, buộc chính quyền phải thực hiện các biện pháp đóng cửa nhiều quận, hạn chế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Giới phân tích và chuyên gia trong ngành nhìn nhận chính điều này đã gây ra tình trạng trì hoãn giao hàng trên diện rộng ở nhiều cảng biển lớn tại Trung Quốc, làm trầm trọng thêm tình cảnh của ngành vận tải biển vốn đang phải đối mặt với cước vận tải container liên tục lập các mức cao kỉ lục, thời gian hàng nằm chờ tại cảng ngày một kéo dài.
Quảng Đông là cứ điểm xuất khẩu hàng hóa lớn, với khoảng 24% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc được thông quan qua đây. Trung tâm kinh tế này có hai cảng Thâm Quyến và Quảng Đông, lần lượt là cảng biến lớn thứ ba và thứ năm thế giới tính theo lượng container trung chuyển. Diễn biến dịch bệnh tại Quảng Động, nơi ghi nhận hơn 150 ca mắc mới biến chủng Delta có nguồn gốc từ Ấn Độ từ đầu tháng 5 tới nay, một lần nữa đặt chuỗi cung toàn cầu đứng trước khó khăn mới.
Theo Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ Pinpoint Asset, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung đang tăng lên và chi phí xuất khẩu, giá cước vận tải biển sẽ còn tăng mạnh. Quảng Đông có vai trò quan trọng trong chuỗi cung toàn cầu.
Còn JP Wiggins, Phó Chủ tịch công ty 3GTMS chuyên về phát triển phầm mềm vận tải biển, cho rằng khủng hoảng cảng biển tại Trung Quốc sẽ gây ra đứt gãy mạnh hơn với người tiêu dùng Mỹ, vì nhiều chuyến hàng bị ách lại ở Quảng Đông theo lịch trình sẽ có điểm đến là Mỹ.
Giá cước vận tải tăng phi mã là một hệ quả trực tiếp đến từ “khủng hoảng” COVID-19 ở vùng đông nam Trung Quốc. Theo ông Glick, nhiều công ty vận tải biển quy mô vừa và nhỏ đang gặp khó, khi mà giá cước vận tải đã vượt quá lợi nhuận biên thu được từ lượng hàng hóa mà họ làm nhiệm vụ xuất khẩu.
Cước tàu biển đang ở mức cao kỉ lục, gấp 5-10 lần so với thời điểm bình thường, với mức trần liên tục bị phá vỡ và chưa thể biết còn leo thang tới đâu. Những công ty vận tải không thể chịu được mức thời gian hàng hóa bị giam tại cảng sẽ phải chuyển sang vận chuyển bằng đường hàng không, sẽ khiến chi phí còn cao hơn.
Thời gian tàu nằm chờ thông quan cảng container quốc tế Diêm Điền ở Thâm Quyến tăng chóng mặt, từ nửa ngày lên 16 ngày. Ách tắc hàng hóa ngay lập tức lan sang các cảng biển lân cận, khi các công ty vận tải tìm cách thay đổi lịch trình di chuyển. Cảng Nansha ở Quảng Châu giờ đang phải tiếp nhận lượng hàng tăng mạnh và tình trạng ách tắc cũng khiến tàu vận tải phải nằm chờ 14 ngày. Hiệu ứng ách tắc dự kiến sẽ còn lan tỏa sang nhiều tỉnh lân cận như Vân Nam, Quảng Tây, Hồ Nam hay Hồ Bắc.
Chuyên gia Zhang Zhiwei nhìn nhận hoạt động vận tải, thông quan tại các cảng ở Quảng Đông và thậm chí tại nhiều tỉnh thành khác ở Trung Quốc sẽ đứng ở mức thấp trong tháng 6. Thực tế này có thể sẽ đẩy giá cước vận tải tăng cao hơn, làm giá hàng hóa tăng theo và có thể gây ra áp lực lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo Hoài Thanh (Báo Tin Tức)