Linacre College thuộc ĐH Oxford đổi tên theo tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm ăn ra sao?

03/11/2021 22:18:52

Mỗi năm trường Linacre College kiếm được số tiền khiêm tốn chừng 1,7 triệu bảng Anh.

Linacre College thật sự là trường gì?

Mới đây, trường Linacre College đã thông báo trên website rằng đang xin phép đổi tên thành Thao College để "ghi nhận món quà mang tính bước ngoặt" 155 triệu bảng Anh từ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và tập đoàn SOVICO vào ngày 31/10/2021.

"Chúng tôi rất vui mừng thông báo rằng chúng tôi đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với Tập đoàn SOVICO do bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm chủ tịch, để nhận một khoản tài trợ với tổng trị giá 155 triệu bảng Anh. Món quà này có ảnh hưởng to lớn tới trường chúng tôi và chúng tôi vô cùng biết ơn sự hào phóng này...", thông báo viết.

Linacre College thuộc ĐH Oxford đổi tên theo tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm ăn ra sao?
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo và Giáo sư Nick Brown- Hiệu trưởng trường Đại học Linacre ký biên bản ghi nhớ hợp tác, tài trợ. Ảnh: Tri thức trực tuyến.

Lincare College là một trường thuộc Viện Đại học Oxford (Anh), chuyên về đào tạo sau đại học. Đây là 1 trong 39 trường trực thuộc Đại học Oxford, Anh danh giá. Tuy nhiên, trên thực tế Lincare College không phải là 'trường đào tạo', mà là 'trường nội trú'.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng - lý giải, Linacre College là một "trường nội trú" hoặc "khu nội trú" (residential college) thuộc ĐH Oxford với 45 khu nội trú.

Điều này đồng nghĩa với việc trường chỉ là nơi cung cấp nơi ăn chốn ở, điều kiện học tập và sinh hoạt cho những người đang học tại các chuyên khoa của ĐH Oxford chứ không có chức năng đào tạo.

"Đây là mô hình giáo dục toàn diện, đặt nền tảng trên các giá trị nhân bản, xuất phát từ các dòng tu của đạo Công giáo từ thời trung cổ, mà nhiều trường ĐH khác trên thế giới cũng học theo. Oxford và Cambridge tất nhiên là hai ví dụ tiêu biểu của mô hình này.

Ở Mỹ, ta cũng thấy mô hình này tại ĐH Harvard và Yale. Hồi tôi ở Úc, học ở ĐH La Trobe thì trường cũng theo mô hình này, dù chỉ là phiên bản đã giảm nhẹ nhiều", tiến sĩ Phương Anh chia sẻ trên báo Thanh niên.

Linacre College thuộc ĐH Oxford đổi tên theo tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm ăn ra sao? - 1
Cổng chính dẫn vào Trường Linacre, Đại học Oxford trên đường St Cross.

Vì vậy, trong tương lai, khi Linacre College đổi tên thành Thao College theo tên của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo thì chức năng hoạt động của "trường nội trú" này vẫn sẽ không thay đổi. Nơi này vẫn chỉ là một khu nội trú chứ không có chức năng đào tạo.

Theo đó, phần lớn khoản quyên góp sẽ được dành cho quỹ hiến tặng (endowment fund) để giúp hỗ trợ hoạt động hàng ngày của Linacre College. Đồng thời, hai bên dự kiến sẽ thành lập một trung tâm sau đại học mới dành cho sinh viên, cùng một quỹ học bổng.

Linacre College đang làm ăn ra sao?

Trường Linacre College được thành lập năm 1962, được đặt tên theo một học giả nổi tiếng thời kỳ Phục Hưng - Ông Thomas Linacre (1460-1524).

Ông Thomas là người sáng lập Đại học Y sĩ Hoàng gia và là một nhân vật xuất chúng với học thức uyên thâm đa lĩnh vực từ nhân văn học, y tế, cho tới nghệ thuật cổ điển với những thành tựu ấn tượng. Từ đó, Linacre College thành lập với mục tiêu và lý tưởng là phản ánh tầm học thức đa lĩnh vực của Thomas Linacre.

Trường Linacre là một trong 39 trường đại học trực thuộc Đại học Oxford, cung cấp môi trường giáo dục, nghiên cứu cho sinh viên ở Anh và toàn thế giới. Đây là một trong số những trường đầu tiên ở Oxford được mở ra dành cho mọi đối tượng, cả nam và nữ.

Linacre College thuộc ĐH Oxford đổi tên theo tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm ăn ra sao? - 2
Toàn cảnh trường Linacre College nhìn từ trên cao.

Hiện nay, trường đón có khoảng 550 sinh viên nội trú sau đại học và 50 nghiên cứu sinh đến từ hơn 50 quốc gia khác nhau. Được biết, Linacre là trường nhỏ nhất, ít được tài trợ nhất trong hệ thống Đại học Oxford.

Được biết, trường Linacre đang cung cấp hơn 330 khóa học trải dài trên nhiều lĩnh vực dành cho các học viên, bao gồm Khảo cổ, Sinh học, Y học, Hóa học, Dược, Tâm lý, Tội phạm học, Nghiên cứu Y học phân tử và tế bào... Chỉ một số khóa học được dạy toàn bộ ở trường Linacre còn lại được dạy kết hợp với chương trình từ các trường thành viên khác của Oxford.

Đáng chú ý, mức học phí (tùy khóa học) ở mức từ 14 - 46 nghìn bảng Anh, trong đó mức học phí 27 nghìn bảng Anh là phổ biến nhất. Ngoài ra, trường cũng dự tính chi phí sinh hoạt cho người theo học ở mức từ 14 - 20 nghìn bảng Anh.

Theo đó, tổng cộng, một năm học tại trường sẽ cần chi phí khoảng 30 - 65 nghìn bảng Anh (tương đương 900 triệu tới hơn 2 tỷ đồng) ngang một căn chung cư ở Việt Nam. Có thể thấy học phí để học tập và nghiên cứu tại trường Linacre cao hơn các trường phổ thông khác ở Anh rất nhiều.

Trong giai đoạn trước đại dịch Covid trường Linacre College kiếm được 1 năm khoảng 1,7 triệu bảng Anh, theo báo cáo kế toán của trường. Cụ thể, từ báo cáo tài chính kết thúc vào tháng 7/2020, trường thu về 4,395 triệu bảng Anh, doanh thu giảm nhẹ so với năm 2019 là 4,41 triệu bảng Anh.

Linacre College thuộc ĐH Oxford đổi tên theo tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm ăn ra sao? - 3
Giới thiệu về chức năng hoạt động trên trang web của Linacre College. Ảnh chụp màn hình

Lợi nhuận ròng niên độ 2018 là gần 1,3 triệu bảng Anh (1,7 triệu USD), niên độ 2019 là 1,7 triệu bảng Anh (khoảng 2,36 triệu USD). Khối tài sản của trường Linacre ghi nhận ở mốc 32,132 triệu bảng Anh tại ngày 30/7/2020. Hiện tại, báo cáo doanh thu của năm 2021 chưa được Linacre College công bố.

Có thể thấy, với 155 triệu bảng Anh mà CEO Vietjet tài trợ, ngay cả trong điều kiện thị trường bình thường trở lại sau đại dịch thì số tiền này đang gấp 5 lần tài sản trường tích lũy trong mấy chục năm từ khi thành lập trường và phải mất tới 90 năm làm ăn mới có được.

Trước đó, năm 2019, ông Stephen A. Schwarzman, Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn Blackstone (Mỹ) đã tặng cho Oxford 150 triệu bảng và được ghi nhận là khoản tiền lớn nhất cho trường này trong lịch sử. Tuy nhiên con số này đã bị phá vỡ bởi nữ tỷ phú đến từ Việt Nam - Nguyễn Thị Phương Thảo.

Theo Hải Yến (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)