Hiện cổ phiếu LPB được giao dịch trên OTC với giá 14.000 đồng/cổ phiếu. So với những ngân hàng cùng quy mô trong hệ thống, mức giá tham chiếu mà ngân hàng đưa ra khá thấp.
14.800 đồng/cổ phiếu: Cao hay thấp?
Theo đó, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu nhà băng này được đưa ra ở mức 14.800 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, ngay ngày lên sàn, vốn hóa của LienVietPostBank sẽ đạt mức 9.561 tỷ đồng, xếp thứ 10 trong nhóm ngân hàng niêm yết.
Hai nhà băng khác tiến hành niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM trước đó, gồm VIB và KienlongBank.
So với thị giá cổ phiếu của VIB (21.600 đồng/cổ phiếu), và KienlongBank (8.900 đồng/cổ phiếu), mức giá tham chiếu của cổ phiếu LienVietPostBank không phải quá cao, đặc biệt so với kết quả kinh doanh của nhà băng này đạt được trong thời gian gần đây.
Cụ thể, 4 quý gần nhất, khoản thu nhập lãi thuần của ngân hàng này đều đạt trên 1.000 tỷ đồng, trong đó, riêng 2 quý đầu năm thu về tới 2.540 tỷ đồng thu nhập lãi thuần; lợi nhuận ròng mỗi quý đều đạt trên 300 tỷ đồng.
Thu nhập lãi thuần bình quân 4 quý gần nhất của LienVietPostBank vào khoảng 1.195 tỷ đồng, và lợi nhuận ròng bình quân 4 quý gần nhất là 350 tỷ đồng.
Nếu so sánh mức giá 14.800 đồng/cổ phiếu với lợi nhuận mà nhà băng này đạt được trong thời gian gần đây, rõ ràng là món hời của các nhà đầu tư chứng khoán có thể đạt được.
Trong khi đó, những nhà băng đã niêm yết trên sàn chứng khoán có quy mô tài sản tương đương như VIB với mức giá 21.600 đồng/cổ phiếu có kết quả cũng ở mức tương đương, thậm chí thấp hơn. Bình quân, thu nhập lãi thuần 4 quý gần nhất của nhà băng này đạt 725 tỷ đồng và lợi nhuận bình quân là 156 tỷ đồng.
Eximbank với mức giá 12.500 đồng/cổ phiếu, thu nhập lãi thuần bình quân cũng mới vào khoảng 700 tỷ đồng và lợi nhuận ròng bình quân đạt 144 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là một chỉ số để so sánh.
Cổ phiếu của LienVietPostBank đã được giao dịch nhộn nhịp trên cửa sổ OTC với mức giá 14.000 đồng/cổ phiếu từ giữa năm đến nay. Mức giá này thấp hơn nhiều nhà băng khác có cùng quy mô như HDBank là 20.000 đồng/cổ phiếu; TPBank 15.500 đồng/cổ phiếu…
Chuyển giao mạnh mẽ
Cuối tháng 6 vừa qua, Công ty Cổ phần Him Lam, đơn vị từng là cổ đông lớn nhất cùng đại gia Dương Công Minh đã chính thức nói lời chia tay nhà băng này để sang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Đáng chú ý, khi CTCP Him Lam của ông Dương Công Minh thoái toàn bộ 15% vốn, tương đương gần 97 triệu cổ phiếu. Thời điểm này, nhiều lãnh đạo cấp cao và người nhà tại LienVietPostBank đã chi hàng trăm tỷ đồng để đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu của ngân hàng, tổng số lượng lên tới gần 46 triệu đơn vị.
Đầu tháng 7 vừa qua, ngân hàng này cũng đã công bố 4 cổ đông nội tiếp tục gom thỏa thuận tổng cộng 10 triệu cổ phiếu, bao gồm ông Nguyễn Hoàng Duy – con trai Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng, bà Nguyễn Minh Trang – con gái Phó chủ tịch Nguyễn Đức Cử, và hai Phó chủ tịch là ông Phạm Doãn Sơn và ông Nguyễn Đình Thắng.
Hiện tại, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đang là cổ đông lớn nhất, nắm giữ tới 12,54% vốn. Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng cũng sở hữu số cổ phiếu tương đương 4,95% vốn ngân hàng, bằng với mức sở hữu của Công ty TNHH H.T.H.
Với số lượng cổ phần nắm giữ này, khi LienVietPostBank niêm yết, TCT Bưu điện Việt Nam sẽ sở hữu khối tài sản lên tới gần 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, cá nhân ông Hưởng cũng sở hữu khối tài sản trị giá hơn 470 tỷ đồng từ 4,95% vốn ngân hàng nắm giữ.
Trước ngày lên sàn, ngân hàng đã xin ý kiến cổ đông về việc giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại mức 5% vốn. Lãnh đạo ngân hàng cho biết nếu dành hết tỷ lệ tối đa 30% cho khối ngoại thì khả năng sẽ có các nhà đầu tư nước ngoài nhỏ lẻ mua vào cổ phiếu.
Trong khi đó, HĐQT ngân hàng đang chuẩn bị đàm phán với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nên phải chủ động dành một tỷ lệ vốn điều lệ từ 10% trở lên cho đối tác lớn đầu tư.
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)