Lì xì không tiền mặt
Đầu tháng 1, ông T.N.S.T (TP.HCM) cưới vợ. Điểm đặc biệt trên thiệp cưới là mã QR. “Có khoảng 30 người mừng quà cưới bằng cách sử dụng chuyển trên QR thay vì tiền mặt. Một số khách mời bận việc không đến được cũng thuận lợi hơn khi gửi quà cưới” - ông T. giải thích và cho biết, việc tải và sử dụng QR khá đơn giản. “Vừa rồi, Sacombank Pay tạo ứng dụng lì xì tết với những lời chúc khá ngộ nghĩnh nên tết năm nay tôi có thể sử dụng lì xì cho những người thân, bạn bè ở xa”, ông T.N.S.T nói thêm.
Thay vì phải mở tài khoản, làm thẻ Visa, ATM… người dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh cài ứng dụng Sacombank Pay đăng ký bằng số điện thoại của mình là có thể mua, bán; thanh toán tiền điện, nước; “bắn” tiền qua tài khoản. Đối với các nhân viên của mình, tại TP.HCM, Sacombank đã khuyến khích khi tổ chức đám cưới in mã QR Code trên thiệp để lãnh đạo, các đồng nghiệp có thể chuyển tiền mừng qua tài khoản.
Không bỏ lỡ xu hướng này, dịp tết nhiều ngân hàng, công ty triển khai ví điện tử và các sản phẩm lì xì tết. Ngay cả người chưa có tài khoản ngân hàng, chỉ xài điện thoại “cùi bắp” vẫn có thể nhận được tiền lì xì từ người thân qua hình thức “chuyển tiền bằng điện thoại di động”. Theo đó, người chuyển chọn chuyển tiền qua di động, người nhận bằng tin nhắn có mật khẩu và ra máy rút tiền ATM nhập mật khẩu vào để rút tiền… Chuyển tiền trên Ví điện tử MoMo, người chuyển ngoài số tiền tự nhập theo yêu cầu, có thể chuyển những số đẹp đến người nhận có sẵn trên ví như 88.888 đồng (toàn phát), 66.666 đồng (toàn lộc), 9.999 đồng...
Câu chuyện sử dụng QR code đã bùng nổ tại Trung Quốc khi cả “cái bang” (người ăn xin) cũng sử dụng. Quốc gia này đã vắng cảnh ăn xin tay gậy tay bị, bát sứt lăn lê trên phố để xin tiền. Thay vào đó là một chiếc điện thoại thông minh (smart phone) và 1 chiếc mã QR Code (mã phản hồi nhanh) dán trước ngực. Ai có lòng hảo tâm, chỉ cần dùng điện thoại của mình, bật camera quét vào mã QR. Chỉ trong vòng 1 - 2 giây, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của những người ăn mày. “Ở Trung Quốc, vài năm trở lại đây gần như người dân không dùng tiền mặt. Ăn xin, công đức chùa chiền, đám cưới, tiệc tùng… họ đều quét mã QR, “bắn” tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác thông qua các ứng dụng của Alipay, Wechat Pay…”, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, cho hay.
Mỗi thuê bao là một ví điện tử
Chủ tịch Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt ông Nguyễn Đình Thắng, “cha đẻ” của Ví Việt, chiếc ví điện tử đầu tiên trong thanh toán điện tử của các nhà băng, cho biết: “Tất cả các ví điện tử đang có trên thị trường đều có tính bảo mật rất cao. Khi đăng nhập, ngoài mật khẩu, còn có thêm sinh trắc học bằng vân tay, Face ID, xác thực OTP. Kể cả mất điện thoại thì kẻ gian cũng không vào để quét được”.
Cuộc cạnh tranh thanh toán điện tử đang diễn ra ngày càng khốc liệt tại VN. Hiện trên thị trường khối ngân hàng có Sacombank Pay, VCB Pay, BIDV Pay+, TPBank với Savy, VPBank với YOLO. Trước đó, một loạt công ty thanh toán cũng đưa vào các sản phẩm ví điện tử như Momo, Moca, Zalo Pay… Gần đây, các nhà mạng cũng nhập cuộc với Viettel Pay. “Cuộc cạnh tranh này sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn nữa và người dùng được hưởng nhiều tiện ích, tiết kiệm chi phí hơn cũng như đáp ứng được chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt", ông Võ Đỗ Thắng bình luận.
Theo Anh Vũ (Thanh Niên Online)