Sau thời gian chịu lệnh trừng phạt, kinh tế Nga chật vật với giá dầu giảm, lạm phát cao và một đồng tiền xuống giá khiến vốn thoái khỏi đất nước.
Moscow (Nga). ẢNH: REUTERS |
Biện pháp trừng phạt hạn chế giao dịch và đóng băng tài sản với một số doanh nghiệp và cá nhân Nga, hạn chế giao dịch tài chính với các hãng Nga và cấm một số mặt hàng xuất khẩu được dùng trong hoạt động thăm dò dầu khí hoặc có thể được dùng trong lĩnh vực quân sự.
Các biện pháp trừng phạt được đưa ra năm 2014 của Mỹ kết hợp với nhiều biện pháp của Liên minh châu Âu (EU) nhằm hạn chế hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, năng lượng và quốc phòng của Nga.
Hiện tại, kinh tế Nga vẫn chịu nhiều ảnh hưởng lớn từ các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là trong bối cảnh lệnh trừng phạt đến cùng với đợt lao dốc giá dầu thế giới. Doanh thu dầu thô của Nga hạ đến 60%, theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ năm 2017. Rúp Nga vì thế cũng lao dốc, đẩy giá cả hàng tiêu dùng tăng vọt.
Kinh tế Nga cũng chịu tổn thương bởi đợt vốn thoái vì nhiều người Nga chuyển tiền ra nước ngoài và đổi đồng rúp Nga để lấy euro cùng đô la Mỹ nhằm bảo vệ tài sản.
Ngược lại, lệnh trừng phạt Nga ít tác động đến hoạt động của doanh nghiệp Mỹ vì Nga chỉ chiếm 1% xuất khẩu Mỹ. Chỉ sáu tiểu bang Mỹ xem Nga là thị trường quan trọng cho hàng hóa và dịch vụ. Washington, bang phụ thuộc nhất vào Nga, chuyển gần 1% kim ngạch xuất khẩu đến Nga, chủ yếu là máy móc và hàng nông sản. Con số này chỉ bằng một nửa kim ngạch xuất khẩu đến Nga trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực từ năm 2014.
Các quốc châu Âu, những nước xuất khẩu nhiều hơn đến Nga, cũng áp đặt lệnh trừng phạt lên nước này. Dù vậy, khi một số nước phụ thuộc nhiều hơn vào việc là đối tác thương mại của Nga, EU đang theo dõi sát biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ. Biện pháp được Mỹ thiết kế sẽ bao gồm khoản phạt nhiều hãng châu Âu giúp Nga xây dựng đường ống xuất khẩu năng lượng. Mục này nếu được áp dụng sẽ tác động đến nhiều doanh nghiệp châu Âu tham gia vào dự án Nord Stream 2 trị giá 11 tỉ USD, vận chuyển khí tự nhiên Nga qua vùng Baltic.
Theo Thu Thảo (Thanh Niên Online)