Với tổng doanh thu 2,26 tỷ USD, tăng gần 30% so với năm 2017 cùng lượng khách hàng đạt 49,8 triệu người, ngành thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 đã vươn lên đứng ở vị trí thứ 6 trong 10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, báo cáo của Statista cho biết.
Đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu về thương mại điện tử thế giới là các tên tuổi lớn như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6.
Nghiên cứu của Statista cũng dự báo đến năm 2019, tổng số lượng người mua hàng trên các kênh thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 51,1 triệu người, tức tăng 0,3 triệu người so với năm 2018. Trong đó, xu hướng mua sắm trên các thiết bị di động ngày càng tăng, hiện chiếm gần 3/4 tổng số đơn hàng giao dịch.
Không chỉ thay đổi về vị trí trên bản đồ thế giới, trong quý IV/2018, các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam cũng tiếp tục có sự xáo trộn về cơ cấu xếp hạng.
Các website tiếp tục rượt đuổi nhau về lượng người truy cập thông qua hàng loạt các chương trình giảm giá, kích cầu mua sắm cuối năm kéo dài từ Ngày Độc thân, Black Friday cho đến ngày 12/12.
Đáng chú ý trong sự thay đổi này là sàn thương mại điện tử Tiki đã chính thức vượt mặt Lazada với 107,9 triệu lượt truy cập, để giữ vị trí thứ hai trong quý IV/2018, xếp ngay sau trang Shopee.
Đây là sự thay đổi thứ hai trong bảng xếp hạng các trang thương mại điện tử tại Việt Nam trong hai quý liên tiếp cuối năm 2018. Trước đó, trong quý III, Shopee cũng đã vượt mặt Lazada lên dẫn đầu bảng xếp hạng với lượt truy cập nhiều nhất và giữ được vị trí đó đến nay với tổng cộng 123,2 triệu lượt trong năm.
Sau một thời gian dài dẫn đầu bảng xếp hạng, Lazada tạm thời lui về vị trí thứ ba đứng sau Shopee và Tiki với 97,6 triệu lượt. Trong khi đó, phía sau vẫn là cuộc đeo bám sát sao của Thế giới Di độngMWG-0.7% với 88,3 triệu lượt và Sendo với 76,2 triệu lượt truy cập.
Ngoài ra, trong năm 2018, cả 5 sàn thương mại điện tử này tại Việt Nam cũng chính thức có mặt trong top 10 trang thương mại điện tử có lượng truy cập cao nhất Đông Nam Á. Kết quả này được nghiên cứu bởi SimilarWeb dựa theo số lượng truy cập trên máy tính và các thiết bị di động của 60 sàn trong khu vực.
Đây được xem là một sức bật ấn tượng của ngành thương mại điện tử Việt Nam và dự báo bảng xếp hạng trong nước lẫn thế giới có thể tiếp tục sẽ xáo trộn bởi các sàn đang được các ông lớn liên tục rót vốn đầu tư.
Được dự báo quy mô có thể lên tới 10 tỷ USD trong năm 2022, các sàn thương mại điện tử trong nước đang cạnh tranh khốc liệt trong cuộc chiến giành lấy thị phần tại Việt Nam.
Nguyên nhân là Việt Nam có gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone, tỷ lệ người trong độ tuổi vàng thích hợp mua sắm online cùng với dư địa phát triển còn nhiều nên được đánh giá là một miếng bánh đầy hấp dẫn với các doanh nghiệp thương mại điện tử.
Theo Phúc Minh (Tri Thức Trực Tuyến)