Lão nông miền Tây thu chục tỷ mỗi năm từ trứng cút đóng lon xuất khẩu

20/11/2016 09:54:00

Từ cuối năm 2013 đến nay, trại cút Nguyễn Hồ ở Tiền Giang đã xuất sang Nhật Bản hàng chục triệu trứng cút sạch với giá cao hơn thị trường nội địa khoảng 20%. Ít ai biết rằng, ông chủ Nguyễn Hồ từng có lúc thua lỗ tới tiền tỷ chỉ vì quyết tâm nuôi cút sạch...

 
Từ cuối năm 2013 đến nay, trại cút Nguyễn Hồ ở Tiền Giang đã xuất sang Nhật Bản hàng chục triệu trứng cút sạch với giá cao hơn thị trường nội địa khoảng 20%. Ít ai biết rằng, ông chủ Nguyễn Hồ từng có lúc thua lỗ tới tiền tỷ chỉ vì quyết tâm nuôi cút sạch...

Thưa ông, nông sản xuất sang Nhật thường phải đáp ứng những tiêu chuẩn rất khắc khe. Trứng cút khi xuất sang đó họ có những yêu cầu gì?

-Tiêu chuẩn phía Nhật Bản đặt ra rất nghiêm ngặt về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Hình thức trứng phải đẹp, trứng chim cút sau khi luộc xong lòng đỏ phải nằm giữa trứng, thay vì nằm lệch một bên như ta thường thấy. Trứng tuyệt đối không có dư lượng kháng sinh, trứng đóng lon sau khi mở ra sử dụng lòng đỏ không được có màng màu đen...

trung cut dong lon... sang nhat hinh anh 1
Trước khi chế biến, trứng cút luôn được ông Nguyễn Hồ kiểm tra cẩn thận. Ảnh: Hữu Danh

Nhu cầu thị trường Nhật Bản như thế nào, thưa ông?

- Nhu cầu nhập khẩu trứng cút đóng lon của Nhật Bản rất lớn. Tuy nhiên, miền Tây hiện nay chỉ mới có trang trại của tôi đủ điều kiện xuất trứng cút đóng lon sang thị trường này. Tuy vậy, việc trứng cút sản xuất ở Việt Nam đã thâm nhập được thị trường khó tính như Nhật Bản, thì coi như đã có “giấy thông hành” xuất khẩu sang thị trường các nước khác nên tôi luôn hy vọng, bà con nông dân sẽ chuyển sang nuôi theo chuẩn sạch để phục vụ xuất khẩu, giúp thu nhập tăng lên. Bản thân tôi nuôi cút đến nay đã hơn chục năm. Trước đây, tôi cũng nuôi tự phát như đa phần các hộ nông dân khác, hệ thống chuồng trại đơn giản nên hiệu quả không cao. Do vậy, tôi đã tìm tòi, đọc các tài liệu trên mạng và học tập kinh nghiệm nhiều nơi cách làm trang trại khép kín. Trải qua nhiều thất bại, giờ tôi đã chắc tay nghề và sẵn sàng chia sẻ để giúp những nông dân khác không gặp phải thất bại của tôi.

Hiện nay ông nuôi cút như thế nào?

- Với chim cút, cần đảm bảo nhiệt độ trại nuôi luôn ổn định trong khoảng 30 độ C, giữ vệ sinh chuồng sạch sẽ. Để hạn chế rủi ro, cần đề phòng dịch bệnh ngay từ khâu con giống. Tôi đã sáng chế ra kiểu chuồng hoàn toàn mới bằng sắt, các ô chuồng được hàn bằng kim loại ghép lại với nhau thành một hệ thống nối dài. Sáng chế này đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận kiểu dáng chuồng nuôi công nghiệp năm 2009, với ưu điểm gọn nhẹ, tiết kiệm diện tích, thoáng mát, có hệ thống nước uống tự động và đặc biệt là hệ thống máng ăn hạn chế cám rơi vãi. Đồng thời, kiểu chuồng trại này cũng có thể áp dụng ở nhiều địa phương trên cả nước.

Thức ăn của cút là một trong những yếu tố quyết định thành công hay thất bại của trang trại chăn nuôi. Tùy theo từng vùng, miền và kinh nghiệm của mỗi người, thức ăn cho cút có thể được bổ sung một số vi lượng cần thiết khác nhau để chim cút đẻ trứng sai. Hiện tôi nuôi 100.000 con cút trên diện tích 6.000m2 đất. Mỗi ngày, xuất bán trên 100.000 trứng. Đó là chưa kể lượng trứng từ các trại cút vệ tinh, sản xuất theo đơn đặt hàng của tôi.

Ông có thể chia sẻ thêm người dân tham gia nuôi cút với ông như thế nào?

- Tôi sẽ hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp cho họ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Cút có thời gian sinh trưởng rất ngắn, cút trưởng thành và cho sinh sản chỉ sau 45-50 ngày tuổi. Thời gian cho trứng kéo dài từ 8-9 tháng thì phải thay đàn cút mới. Nếu đầu tư bài bản một chuồng trại có sức chứa 20.000 con cút tốn khoảng 500 triệu đồng, gồm chuồng trại, thức ăn, giống, kỹ thuật. Nếu lấy trứng liên tục 8 tháng mới kết thúc một chu kỳ, thì mỗi tháng trang trại của tôi đạt doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng. Hiện tôi có khoảng 20 trại cút vệ tinh. Hộ nuôi ít nhất khoảng 5.000 con, nhiều thì vài chục ngàn con. Ngoài việc hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, bao tiêu sản phẩm, các trại cút vệ tinh sẽ được tôi trợ vốn.

Được biết các trại vệ tinh này ai cũng làm ăn suôn sẻ và vươn lên khá giàu, còn ông đã từng nềm mùi thất bại?

- Giữa năm 2010, các đối tác Nhật đã tới trang trại của tôi tìm hiểu các điều kiện chăn nuôi, khả năng đáp ứng, vệ sinh an toàn thực phẩm... để ký hợp đồng nhập khẩu trứng cút đóng hộp. Để đáp ứng nhu cầu của đối tác, tôi đã đầu tư thêm chuồng trại theo mô hình công nghiệp khép kín, đáp ứng đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Với thức ăn cho cút, tôi phải đặt hàng riêng, tuyệt đối không kháng sinh.

Kết quả là, khi cắt kháng sinh, cắt nhiều thứ thuốc phòng bệnh, cút lăn ra chết hàng loạt vì bệnh tật. Chết bầy này, tôi gây bầy khác, lại chết như ngả rạ. Có thời điểm, cút chết nhiều đến mức phải huy động nhân công chôn, khử trùng. Tôi phải cầu cứu những chuyên gia chăn nuôi. Phải tới khi đứt vốn đến tiền tỷ, bầy cút sạch bắt đầu sống khỏe. Bây giờ mà cho kháng sinh vô thức ăn, nước uống, có khi nó lại sốc không chịu. Người Nhật họ trọng chữ tín. Khi thấy mình quyết tâm nuôi cút sạch, họ ủng hộ hết mình.

Mỗi ngày, trang trại Nguyễn Hồ chuyển giao trứng cút cho nhà máy để đóng gói thành hộp trứng cút thành phẩm. Sau đó, nhà máy giao lại cho trang trại để xuất trực tiếp cho đối tác Nhật Bản với số lượng 1.000 hộp trứng cút thành phẩm/ngày đêm. Mỗi hộp có trọng lượng  từ 200 - 250 gram, tương đương 10-20 trứng cút/hộp.

Nhờ thất bại của tôi, 20 trại cút vệ tinh có được những bài học không phải tốn phí. Hiện nay chúng tôi đang cùng nhau sản xuất sạch để nâng cao sản lượng, cùng nhau làm giàu.

Xin cảm ơn ông!

Từ vài chục nghìn con chim cút đẻ ban đầu, đến nay, trang trại của ông Trần Nguyễn Hồ đã có trên 60.000 con được nuôi theo quy trình an toàn sinh học trong hệ thống chuồng trại hiện đại, hạn chế tối đa sử dụng thuốc kháng sinh. Hàng ngày, thức ăn, nước uống cho đàn chim cút đều được ghi chép cẩn thận trong sổ sách; việc phòng bệnh cho đàn cút được thực hiện bằng các loại kháng sinh sinh học được chiết xuất từ một số loài thực vật. Ngoài cung cấp trứng cút cho thị trường nội địa, trung bình mỗi tháng, trang trại Nguyễn Hồ xuất khoảng 2 triệu quả trứng sang Nhật Bản.

Theo Phương Dung (Dân Việt)

Nổi bật