Không thể dừng dự án nhiệt điện Thái Bình 2?
Trước tình trạng chậm tiến độ của dự án nhiệt điện Thái Bình 2, nhiều ý kiến cho rằng nên dừng dự án để tránh lãng phí thêm tiền.
Song theo ông Đinh Văn Sơn, thành viên Hội đồng thành viên PVN:
"Nếu dừng dự án nhiệt điện Thái Bình 2 thì tất cả chi phí chúng ta bỏ ra không thu hồi được. 32 nghìn tỉ đã giải ngân là giá trị sổ sách. Còn tính giá trị thực tế khi đang dở dang, là đống sắt vụn thì giá trị giảm... Đó là chưa nói lấy nguồn thu nào để trả nợ vay dự án.
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu EPC. Tổng mức đầu tư dự án là 41.799 tỉ đồng. Đến thời điểm này, dự án đã tiến hành giải ngân 32.000 tỉ đồng và đang có nguy cơ bị dừng do thiếu tiền.
Dự án đó dù chậm, nhưng nếu không đi vào vận hành được thì trước tình hình cả nước sau 2020 thiếu điện, nguồn nào thay thế?”, ông Đinh Văn Sơn nói.
Ngoài ra, ông Sơn cũng lo ngại các vấn đề về an ninh trật tự, xã hội khi dự án dừng lại. Bởi các nhà thầu phụ bị nợ tiền thi công sẽ có những phản ứng gay gắt.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Vượng cho biết, dự án nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án quan trọng quốc gia nhằm đảm bảo an ninh năng lượng với quy mô lớn về vốn gần 42.000 tỉ đồng. Nếu được đưa vào vận hành, mỗi năm nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ cung cấp 7 tỉ KWh điện cho cả nước.
Theo Thứ trưởng Vượng, nếu không có những dự án lớn thì từ năm 2021, Việt Nam dự kiến sẽ thiếu điện.
Cụ thể, năm 2021 thiếu 6,6 tỉ KWh điện, năm 2022 thiếu 11,8 tỉ KWh điện và đỉnh điểm năm 2023 sẽ thiếu 15 tỉ KWh điện. Cứ 1 KWh điện chạy dầu thì ngành điện phải bù đắp thêm 5.000 đồng, như vậy để có 7 tỉ KWh điện bằng chạy dầu sẽ tiêu tốn 35.000 tỉ đồng.
"Nếu dự án này vận hành đúng thời gian thì nguy cơ thiếu điện năm 2020 sẽ không còn", Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
"PVN đảm bảo quản lý dòng tiền"
Để đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra đến cuối năm 2020, PVN cho hay đã nhiều lần kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ, chấp thuận chủ trương cho phép PVN sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để giải ngân cho Dự án, với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh.
Tuy nhiên kiến nghị này của PVN vẫn chưa được chấp thuận.
Hiện tại, PVN tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến các bộ ngành yêu cầu được sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để "cứu" dự án nghìn tỉ.
Thừa nhận những yếu kém của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), tổng thầu EPC của dự án, song theo ông Sơn, qua nhiều cuộc họp, PVN thống nhất không thể thay thế tổng thầu PVC lúc này. PVN xác định phải vào cuộc, điều hành trực tiếp để tiếp tục triển khai dự án nhiệt điện Thái Bình 2.
Theo đó, PVN đảm bảo kiểm soát dòng tiền vào dự án, tiền cấp từ trên xuống PVC và xuống các nhà thầu phụ được dùng để phục vụ cho dự án. PVN yêu cầu Ban quản lý dự án, Tổng thầu PVC và nhà thầu phụ ký hợp tác 3 bên để thống nhất hoàn thành công việc này vào ngày giờ cụ thể mới có thể nhận được tiền.
"Tôi tin tưởng việc quản lý đồng tiền hoàn toàn chắc chắn, đảm bảo đúng mục đích... Tôi tin rằng, dự án Thái Bình 2 là một trong ít dự án sau khi kết thúc dự án thì việc hoàn thành hồ sơ ở mức cao nhất", ông Sơn khẳng định.
Theo Thùy Dung (Lao Động)