Tổng thống Philippines Beniqno Aquino (giữa) gặp gỡ các thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC trước thềm hội nghị. Ảnh: Rappler |
Dù quy trình chuẩn bị tổ chức APEC khiến nhiều tuyến đường ở Manila bị cấm, nhiều chuyến bay phải đổi hướng, nhiều trường học phải tạm thời đóng cửa, hội nghị quốc tế này được cho là sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nước chủ nhà cũng như các nền kinh tế trong khu vực.
APEC là diễn đàn kinh tế cấp cao nhất, có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với tổng cộng 21 nền kinh tế, APEC chiếm gần một nửa kim ngạch thương mại thế giới, và khoảng 57% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Được thành lập năm 1989, mục tiêu của APEC là thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do, cởi mở. Để làm được điều này, APEC đóng vai trò như một nơi ra lò các ý tưởng và chính sách thương mại để các bộ trưởng, đại diện của các nền kinh tế và tổ chức tư nhân cùng các chuyên gia bàn bạc, đi đến đồng thuận nhằm giải quyết hài hòa giữa kinh tế và khía cạnh xã hội của nó, chẳng hạn như các tiêu chuẩn môi trường, vai trò của phụ nữ và y tế.
Hội nghị APEC lần này ở Manila sẽ đón tiếp các nguyên thủ thế giới như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Có hai nhà lãnh đạo lần đầu tiên tham dự APEC là tân Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Trong hội nghị APEC, các quan chức này được gọi là "lãnh đạo của các nền kinh tế", và đại diện cho Đài Loan (Trung Quốc) hay Hong Kong (Trung Quốc) sẽ không được coi là nguyên thủ vì các nền kinh tế này nằm trong lãnh thổ Trung Quốc.
Ngoài ra còn có 7.000 đại diện của các công ty, tổ chức kinh tế lớn trên thế giới, như tỷ phú Jack Ma của Alibaba, David Plouffe của Uber, Tony Fernandes của AirAsia sẽ tham gia sự kiện trọng đại này.
Tỷ phú Jack Ma sẽ phát biểu tại hội nghị CEO trong khuôn khổ diễn đàn APEC. Ảnh: Rappler |
Tuyên bố Lãnh đạo
Tâm điểm của sự kiện kéo dài một tuần này là Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC diễn ra từ ngày 18 đến 19/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Philippines ở Pasay, nơi lãnh đạo các nền kinh tế đưa ra Tuyên bố Lãnh đạo, một thỏa thuận không mang tính ràng buộc giữa các thành viên.
"Đây là bản tổng kết tất cả những điều diễn ra trong 43 phiên họp trước. Đó là những điều mà lãnh đạo 21 nền kinh tế đã quyết định sẽ thực hiện trong năm tới", Marciano Paynor, phụ trách nghi thức văn phòng tổng thống Philippines, cho biết.
Trước thềm sự kiện này là Hội nghị tổng kết quan chức cấp cao và hội nghị bộ trưởng, nơi bộ trưởng thương mại và ngoại giao các nền kinh tế hoàn tất bản tuyên bố.
Các sự kiện diễn ra song song là Đối thoại cấp cao về Kinh doanh Toàn diện, hội nghị doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), ABAC và hội nghị CEO, nơi những người khổng lồ trong lĩnh vực kinh doanh sẽ gặp gỡ các lãnh đạo kinh tế.
Trong hội nghị APEC lần này, Manila chú trọng vào chủ đề phát triển toàn diện, nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ , chiếm hơn 97% các doanh nghiệp trong nền kinh tế APEC.
Philippines sẽ đưa ra hai lộ trình cho chương trình nghị sự, đó là Kế hoạch hành động Cebu nhằm bảo vệ khu vực khỏi các cuộc khủng hoảng tài chính, và nghị trình hành động Boracay nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tiếp cận với thị trường khu vực và toàn cầu.
Cảnh sát Philippines diễn tập bảo vệ an ninh cho APEC. Ảnh: Reuters |
Philippines đã chuẩn bị suốt ba năm cho sự kiện APEC sắp diễn ra, trong đó công tác an ninh được coi là thách thức lớn nhất khi nước chủ nhà phải đảm bảo an toàn cho các lãnh đạo nền kinh tế tới tham dự, trong bối cảnh mối đe dọa từ các tổ chức khủng bố và tội phạm quốc tế ngày càng lớn hơn.
Lợi thế của Philippines khi tổ chức APEC lần này là người dân đa phần đều biết nói tiếng Anh thông thạo, giúp họ có thể điều phối, tổ chức thuận lợi đến 44 phiên họp diễn ra suốt sự kiện, thay vì 25 phiên như dự kiến ban đầu.