Nằm cách Hà Nội khoảng 20km về phía Bắc, làng nghề thủ công mỹ nghệ Đồng Kỵ (huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) đã có tuổi đời lên tới 300 năm. Trong những năm đầu 2000 đến 2015, thôn Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, nay là phường Đồng Kỵ được xem là khu vực kinh tế trọng điểm của huyện Từ Sơn và tỉnh Bắc Ninh.
Thời điểm đó, làng nghề gỗ mỹ nghệ nơi đây đã phát triển vượt bậc. Từ 2000 đến 2003, gần 500 doanh nghiệp tư nhân đã ra đời. Việc bước chân ra ngõ là gặp giám đốc trở thành điều quen thuộc, bình thường ở nơi đây.
Từ những người thợ quanh năm với tay đục, tay tràng đã đứng lên thành lập doanh nghiệp, vươn ra thị trường trong nước và quốc tế. Khiến nơi đây phát triển vô cùng mạnh mẽ, đem lại nguồn kinh tế lớn cho người dân.
Chính vì thế, nơi đây có biệt thự phủ từ đầu làng đến cuối làng, số lượng tỷ phú, giám đốc tại ngôi làng này đếm không xuể. Người dân trong làng đều có cuộc sống dư giả.
Sau khi nguyên liệu được lựa chọn cẩn thận, các sản phẩm sẽ qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ, tỉ mỉ chạm khắc những đường nét tinh xảo. Các họa tiết thường được dùng như con rồng, con phượng, hoa, lá…
Những sản phẩm nơi đây tạo ra luôn mang vẻ uy nghi, bề thế, bắt mắt. Chính vì vậy, nơi đây luôn là điểm đến của nhiều đại gia giàu có để mua sắm những sản phẩm tinh xảo cho những căn biệt phủ của mình. Không ít mặt hàng được làm bằng gỗ quý, sau khi được chạm khắc có giá trị lên tới vài chục tỷ đồng. Một số còn được xuất khẩu sang nước ngoài, rất được ưa chuộng. Chính vì vậy, người dân ở đây càng trở nên giàu có hơn.
Phát triển mạnh đến năm 2015, việc kinh doanh của làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Hàng hóa sản xuất ra nhiều nhưng đầu ra hạn chế cả về thị trường trong nước lẫn thị trường xuất khẩu.
Theo Báo Bắc Ninh, đến cuối năm 2023, lực lượng lao động tại các làng nghề bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt nhóm lao động tự do từ các nơi khác tới làm thuê cho các hộ tại đây. Đầu ra sản phẩm của các hộ giảm khoảng 76%, thu nhập của hộ giảm cũng gần 90%, nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất giảm 68% do không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra…
Hiện một số đơn vị có thương hiệu, uy tín còn hoạt động cầm chừng. Đối với những cở sở sản xuất mới, vốn mỏng, thị trường hẹp cơ bản đã giải thể hoặc chuyển ngành nghề kinh doanh, thậm chí phá sản. Nhiều cửa hàng đã đóng cửa, nhà nào còn mở cũng đìu hiu, vắng vẻ.
Có lẽ sẽ rất khó để sản phẩm đồ gỗ ở Đồng Kỵ trở lại được thời kỳ phát triển mạnh như trước đây. Cứ đà này tiếp diễn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân địa phương Đồng Kỵ sẽ dần bỏ nghề truyền thống để tìm kiếm công việc khác nhằm mưu sinh.
Theo Minh Quân (Tri thức & Cuộc sống)