Thanh khoản và dòng tiền để duy trì hoạt động trong ngành du lịch lúc này trở thành vấn đề đau đầu với các doanh nghiệp (DN). Điều này lý giải vì sao ngày càng có nhiều khách sạn từ vài chục tỉ đồng đến vài trăm tỉ đồng ở khắp các điểm đến du lịch nổi tiếng trên cả nước đồng loạt được rao bán.
Được giá là bán
Gõ từ khóa " rao bán khách sạn ", "rao bán khách sạn ở TP HCM", "bán gấp khách sạn"… trên công cụ tìm kiếm Google sẽ có ngay hàng triệu kết quả trong vài giây.
Với những người làm du lịch, dịch vụ, chưa bao giờ thị trường khó khăn như lúc này. Dịch Covid-19 khiến hoạt động của ngành du lịch gần như đóng băng và đợt dịch thứ 2 giống như "cú đánh bồi" hạ gục các DN nếu không có nguồn lực tài chính đủ mạnh để duy trì.
Số liệu của Sở Du lịch TP HCM gần đây cho thấy trong lĩnh vực cơ sở lưu trú du lịch, các đơn đặt phòng trong tháng 7 và tháng 8 tại khách sạn phần lớn bị hủy; các hợp đồng hội nghị, tiệc cưới, nhà hàng quy mô 30 khách trở lên cũng bị hủy…
Công suất phòng hiện giảm tới 91,5% so với cùng kỳ, số lượng lao động giảm 61% so với cùng kỳ.
Ghi nhận tại TP HCM, hàng loạt khách sạn 2-3 sao ở các quận 1, 5, Tân Bình đang được rao bán, giá từ vài chục tỉ đồng đến vài trăm tỉ đồng.
Tại quận 1 và 3, nhiều khách sạn trên đường Lê Thánh Tôn, Thái Văn Lung, Trương Định, Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng, Phạm Ngũ Lão, Thủ Khoa Huân, Thi Sách… được rao bán trên khắp các trang bất động sản, môi giới nhà đất.
Đơn cử, một khách sạn 4 sao ở mặt tiền đường Thi Sách (quận 1) có diện tích 500 m2, 13 lầu, 100 phòng, nằm ở vị trí đẹp khu vực Đồng Khởi - Thi Sách - Đông Du - Lê Thánh Tôn, vừa được rao bán giá 670 tỉ đồng. Giá bán được giới thiệu có thể thương lượng.
Ngọc, một nhân viên môi giới bất động sản (BĐS), đang rao bán khách sạn 3 sao góc đường Lê Thánh Tôn - Trương Định (quận 1) gồm 8 lầu, 1 tầng hầm, giá 170 tỉ đồng, cho biết tuần sau sẽ tiếp một tập đoàn của nước ngoài đến tìm hiểu khách sạn này.
"Mức giá đã rẻ hơn nhiều so với trước dịch Covid-19 và có thể tiếp tục thương lượng. Do kinh doanh ngày càng khó khăn nên nhiều khách sạn chấp nhận giá hợp lý hơn nếu tìm được khách thiện chí" - Ngọc cho hay.
Trong làn sóng rao bán khách sạn giữa dịch Covid-19, có cả ngân hàng (NH) thương mại phát mãi tài sản thế chấp là trung tâm tiệc cưới, khách sạn để thu hồi nợ.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa rao bán đấu giá tài sản nguyên lô gồm quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất là Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại quận 7, TP HCM và toàn bộ nội thất, công cụ, trang thiết bị, máy móc thuộc tòa nhà này.
Công trình tiệc cưới này có quy mô 2 tầng hầm, 8 tầng nổi và sân thượng; diện tích sàn xây dựng lên tới 15.741 m2. Đây là tài sản thế chấp cho khoản vay của khách hàng tại BIDV Chi nhánh Phú Tài. Giá khởi điểm cho tài sản nguyên lô này là 377,98 tỉ đồng, chưa bao gồm thuế GTGT.
Tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, rất nhiều khách sạn, từ mini đến 3-4 sao, cũng đang được rao bán vì kinh doanh ế ẩm suốt từ đầu năm đến nay. Sách - một người môi giới nhà đất ở TP Nha Trang - cho biết so với đợt dịch trước thì đợt này lượng khách sạn rao bán nhiều hơn.
"Dịch Covid-19 khiến nhiều khách sạn mới xây mà chủ đầu tư không đủ kinh phí trả tiền NH nên phải bán. Cả khách sạn cũ không có khách lẫn khách sạn mới phải bán cắt lỗ…" - Sách chia sẻ.
Ngay sáng 31-8, một trang web BĐS ở TP Nha Trang đăng bán một lúc 5 khách sạn, trong đó có khách sạn 4 sao nằm ở trung tâm TP Nha Trang với giá từ 145 tỉ đồng.
Xu hướng sẽ còn kéo dài
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo nhiều công ty du lịch nhìn nhận rao bán khách sạn là thực trạng đang diễn ra không chỉ ở TP HCM mà còn nhiều địa phương trên cả nước, khi tác động của dịch Covid-19 đến ngành du lịch là trực tiếp và kéo dài trong nhiều tháng.
"Không có khách nhưng lương nhân viên và chi phí bảo trì, duy tu vẫn phải trả; tiền vay NH vẫn phải trả hằng tháng; đóng cửa thì trang thiết bị hư hỏng, khách sạn xuống cấp… Những áp lực này khiến chủ khách sạn phải rao bán là dễ hiểu" - chủ tịch một công ty du lịch tại TP HCM nhận định.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Ngôi Sao Biển Sài Gòn, nhận định xu hướng rao bán khách sạn sẽ còn tăng mạnh cho đến khi dịch được kiểm soát, thậm chí là đến khi có vắc-xin. Nhiều khách sạn ở TP Đà Nẵng, TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đang rao với giá thấp hơn từ 30%-40% so với trước dịch nhưng cũng không dễ bán.
"Vốn, thanh khoản là yếu tố quan trọng nhất để duy trì hoạt động của DN trong lúc này nhưng với ngành du lịch, phân khúc khách sạn thì bài toán này quá khó.
Vay NH để bổ sung vốn lưu động lại càng không dễ vì nhiều DN hiện không có nguồn thu. Rao bán là tất yếu nhưng đổi lại, ai có tiềm lực tài chính mạnh mua vào lúc này sẽ có cơ hội trong tương lai" - ông Huỳnh Văn Sơn nói.
Báo cáo ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thị trường khách sạn của CBRE Việt Nam vừa công bố cũng cho thấy dịch Covid-19 khiến thị trường du lịch và khách sạn gần như rơi vào trạng thái ngủ đông trong suốt nửa đầu năm 2020. Doanh thu trên mỗi phòng trong nửa đầu năm tại thị trường Hà Nội và TP HCM lần lượt giảm khoảng 56% và 64% so với cùng kỳ.
Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa cũng cho rằng hiện tình trạng rao bán khách sạn phổ biển ở TP Nha Trang có một phần ảnh hưởng từ dịch Covid-19 vì lượng khách sụt giảm nghiêm trọng. Giá bán khách sạn mỗi nơi một khác tùy thuộc địa điểm, diện tích, số tầng, số phòng, nội thất… Đây là thời điểm dễ đàm phán để các chủ đầu tư có được giá khách sạn phù hợp.
Nhiều quỹ đầu tư đang săn mua
Theo CBRE Việt Nam, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu du lịch trong nước sẽ giảm mạnh và khách nội địa cũng dè dặt hơn do những lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch.
Trong khi đó, sự phục hồi ở phân khúc khách quốc tế sẽ mất nhiều thời gian hơn do Việt Nam tiếp tục trì hoãn việc nối lại các chuyến bay quốc tế và tâm lý tránh du lịch nước ngoài khi dịch chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới.
Trước bối cảnh này, hoạt động của các khách sạn trong quý III/2020 sẽ không có nhiều biến chuyển so với quý trước. Ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc CBRE Hotels Việt Nam, dự báo thị trường khách sạn giai đoạn 2020-2021 sẽ luôn ở trong tư thế phòng thủ cho đến khi có vắc-xin phòng ngừa Covid-19 hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn.
Hiện nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư trong và ngoài nước đang săn đón những tài sản đang bị áp lực nợ trong ngành khách sạn với mức định giá thấp.
Dù vậy, CBRE Việt Nam đánh giá thị trường khách sạn hiện vẫn chưa ghi nhận nhiều tài sản như thế này ở phân khúc 4 - 5 sao mà chủ yếu tập trung ở những phân khúc thấp hơn. Nhiều cơ hội cũng mở ra khi chủ sở hữu các chuỗi khách sạn đang tìm cách thoái vốn tại một số tài sản kém hiệu quả.
Thực tế, thời gian qua đã có rất nhiều nhà đầu tư từ Hà Nội, TP HCM vào TP Nha Trang xem, tư vấn để săn khách sạn giá rẻ. Họ xem đây là cơ hội có một không hai nếu qua đợt dịch khoảng 2-3 năm tới, để sở hữu một khách sạn ở phố biển Nha Trang không phải dễ.
Theo một số môi giới nhà đất ở Nha Trang, so với trước đây, hiện giá BĐS, khách sạn giảm từ 5%-10% nhưng để săn giá rẻ hơn nữa thì rất khó. Bởi nhiều chủ khách sạn, BĐS nghỉ dưỡng đều kêu khó khăn nhưng chưa chấp nhận bán rẻ.
Cao ốc văn phòng ít rủi ro hơn
Các chuyên gia kinh tế cho rằng nhu cầu rao bán khách sạn đang khá lớn trong khi khách có nhu cầu mua phải có nguồn lực tài chính mạnh khiến việc mua bán không dễ. Đặc biệt, chưa biết khi nào khách quốc tế mới trở lại, khách nội địa cũng chưa tăng cao.
Quan trọng hơn, nếu tính về hiệu quả đầu tư, với ngân sách vài chục tỉ đồng đến vài trăm tỉ đồng, nhà đầu tư có thể chọn mua cao ốc văn phòng để cho thuê hoặc kinh doanh, hiệu quả cũng tương đương nhưng rủi ro lại thấp hơn làm khách sạn.
Theo Thái Phương - Sơn Nhung - Kỳ Nam (Nld.com.vn)