Chiếc xe VinFast đầu tiên lăn bánh trên đường thử
Bất chấp sự đi xuống của các thị trường chứng khoán lớn ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn bước vào phiên giao dịch hôm nay với đà tăng điểm khả quan. VN-Index bật tăng ngay vào phiên mở cửa, sau đó vượt mốc 1000 điểm và duy trì trong phần lớn thời gian giao dịch. Tuy nhiên, lực bán mạnh vào những phút cuối phiên đã đẩy chỉ số giảm điểm bất ngờ.
Kết phiên ngày 7/3, VN-Index giảm nhẹ 0,46 điểm (0,05%) xuống 994,03 điểm. Thanh khoản trên sàn HSX đạt 4700 tỷ đồng, sụt giảm khá so với các phiên trước. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index lại tăng 0,4 điểm (0,37%) lên 108,88 điểm.
Khối nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận diễn biễn bán ròng nhẹ trên cả hai sàn chính. Trên HSX, khối này rút ròng 17 tỷ đồng. Tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu như FLC, DHG, HDB, VHM, YEG...
Các nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao như chứng khoán, dầu khí, dệt may, thép…đều ghi nhận diễn biến tiêu cực. Trong nhóm dầu khí, GAS giảm 1%, PVD và PVS đều kết phiên trong sắc đỏ. Bộ đôi cổ phiếu thép và HPG (Hòa Phát) và HSG (Hoa Sen) cũng giảm lần lượt 2,6% và 3,9%. Ở nhóm dệt may, TCM, TNG và GIL cũng đồng loạt đi xuống.
Cổ phiếu của Tập đoàn Yeah1 tiếp tục giảm sàn phiên thứ 4 liên tiếp sau sự cố hợp tác với Youtube. Giá của YEG chỉ còn 183.400 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh hơn 470 ngàn đơn vị, gần chạm ngưỡng thấp nhất kể từ khi niêm yết là 180.500 đồng/cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau chuỗi ngày ảm đạm thì đã khởi sắc trở lại. 11/17 mã trong nhóm này tăng giá như VCB, CTG, SHB, ACB, STB, BID…
Đóng góp lớn nhất cho thị trường như thường lệ vẫn là các cổ phiếu đại gia có vốn hóa lớn. Nổi bật là bộ đôi cổ phiếu nhà Vingroup là VIC và VHM. Kết phiên, VIC tăng 1500 đồng lên 119.200 đồng/cổ phiếu, xác lập mức đỉnh mới của cổ phiếu này trong lịch sử niêm yết. Còn VHM tăng nhẹ 200 đồng lên 92.000 đồng/cổ phiếu.
Đà tăng của VIC đã giúp khối tài sản chứng khoán của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng thêm khoảng 2.800 tỷ đồng, đạt khoảng 222.300 tỷ đồng. Vốn hóa của Tập đoàn Vingroup cũng leo lên mốc đỉnh mới khi đạt tới 380.440 tỷ đồng (khoảng 16,44 tỷ USD).
Đáng chú ý, hôm qua ngày 6/3, Vinfast (công ty con của Vingroup) thông báo đã hoàn thành sản xuất thử nghiệm chiếc xe Lux đầu tiên ở nhà máy tại Hải Phòng. Theo đó, chiếc xe VinFast Lux SA2.0 đầu tiên đã lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất, hoàn thành chu trình sản xuất thử nghiệm dòng ô tô thương mại “made in Vietnam”. Đây là bước đi quan trọng trước khi Vinfast chính thức đi vào sản xuất hàng loạt. Dự kiến các mẫu ô tô thương mại sẽ được hãng này bàn giao cho khách hàng vào khoảng quý 2 và quý 3 năm nay.
Bên cạnh VIC và VHM, một số bluechips khác cũng đóng góp tốt cho thị trường hôm nay là: MSN (Masan), NVL (Novaland), VJC (Vietjet Air) hay VRE (Vincom Retail).
Theo Quang Sơn (Dân Việt)