Thông tin từ vietnamnet.vn: Ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết như vậy khi trao đổi với báo giới chiều 21/9 về những thông tin liên quan tới câu chuyện làm SGK của đơn vị này.
Doanh thu 700 tỷ, lỗ 40 tỷ đồng
Ông Bách dẫn “Báo cáo Kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam” ngày 26/1/2018 của Kiểm toán Nhà nước xác nhận thông tin, trong các năm từ 2015-2017, mỗi năm đơn vị này lỗ khoảng 40 tỷ đồng từ việc làm SGK.
Cụ thể, doanh thu SGK năm 2015 là 656,6 tỷ đồng; kết quả kinh doanh mảng SGK lỗ 43,8 tỷ đồng; năm 2016, doanh thu SGK là 735,2 tỷ đồng; kết quả kinh doanh mảng SGK lỗ 43,3 tỷ đồng.
Tại báo cáo tài chính năm 2017 đã được kiểm toán độc lập kiểm toán số liệu, doanh thu từ SGK là 703,9 tỷ đồng, lỗ 38,14 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, giá bán SGK trong 8 năm qua (từ năm 2011) đều không thay đổi. Trong khi đó, các khoản chi phí đầu vào của hoạt động xuất bản, phát hành SGK đều biến động tăng, từ yếu tố chi phí nguyên nhiên vật liệu (giấy in, điện, nước, xăng dầu,…), chi phí nhân công, tiền công in trả các nhà in đến chi phí vận chuyển đều tăng mạnh qua các năm.
Toàn bộ chi phí này Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải tự hạch toán, cân đối, hoàn toàn không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Do chi phí đầu vào của SGK tăng cao trong khi giá bán không đổi nên dù Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhưng doanh thu phát hành SGK vẫn không thể bù đắp chi phí dẫn đến hoạt động xuất bản phát hành SGK luôn bị lỗ. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phải sử dụng các nguồn thu khác để bù đắp lỗ của hoạt động xuất bản phát hành SGK.
Cần phân biệt rõ sách giáo khoa với sách tham khảo
Theo dantri.com.vn: Về việc phản ánh "SGK thay đổi hàng năm", ông Lê Hoàng Bách, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục VN cho biết, sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành, SGK không được chỉnh sửa nội dung nếu không được Bộ GĐ&ĐT phê duyệt. Bất kì chỉnh sửa nội dung nào đều phải thông qua Hội đồng quốc gia thẩm định SGK xem xét và Bộ trưởng phê duyệt. Vì vậy, nội dung sách được giữ ổn định từ khi biên soạn bộ sách (2002-2008) đến nay.
Trong trường hợp có những thay đổi lớn về quản lí Nhà nước hoặc những phát hiện mới trong khoa học có ảnh hưởng sâu rộng cần phải điều chỉnh liên quan đến kiến thức trong SGK một số môn học, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo chỉnh sửa, cập nhật nội dung.
Đối với vấn đề sách giáo khoa và sách tham khảo trong bộ sách mà phát hành bán cho học sinh hiện nay, phụ huynh không biết sách nào chính thống, sách nào không chính thống? ông Bách cho rằng, phụ huynh cần phân biệt rõ SGK và sách tham khảo.
"SGK là do Bộ GD&ĐT ban hành sử dụng thống nhất trong toàn quốc, thông thường bao gồm sách học sinh và sách giáo viên. Sách tham khảo là mảng sách giúp học sinh thực hành, luyện tập thêm về kiến thức, kĩ năng. Sách tham khảo được học sinh chọn mua theo nhu cầu luyện tập và mở rộng kiến thức trên tinh thần tự nguyện. Đây là mảng sách ngoài NXBGDVN thì còn được nhiều NXB khác xuất bản" - ông Bách bày tỏ.
NXB Giáo dục Việt Nam sắp hết "độc quyền" xuất bản sách giáo khoa?
Cho đến năm 2017, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn là đơn vị duy nhất được cấp phép xuất bản SGK. Còn đến năm 2018, có thêm một số NXB mới được cấp phép xuất bản SGK như: NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Đại học Huế.
Theo Hoa Hạ (Dân Sinh)