Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5/2018 tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước, và nếu so với tháng 12 năm 2017 thì tăng 1,61%. Tính trong 5 tháng đầu năm 2018, CPI bình quân tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong 6 năm từ năm 2012 trở lại đây.
Việc CPI tăng nhanh có khả năng ảnh hưởng tới không ít tới các yếu tố quan trọng khác như tỷ giá hay lãi suất. Liên quan tới vấn đề này, BizLIVE đã có trao đổi với TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV.
Theo đánh giá của ông, với mức tăng nhanh như hiện tại, khả năng trong năm nay CPI có vượt ngưỡng 4%?
Chúng ta sẽ phải rất khéo kiểm soát, năm nay áp lực tăng lạm phát cao hơn so với năm ngoái.
Về yếu tố bên ngoài, thì giá hàng hoá nhiên liệu đã tăng khá nhanh, như giá dầu brent từ đầu năm tới nay đã tăng khoảng 24%.
Về yếu tố nội tại bên trong, thì năm nay dự kiến Việt Nam cũng sẽ tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng cơ bản. Cuối năm ngoái giá điện đã được điều chỉnh tăng, sang năm nay giá xăng dầu cũng điều chỉnh theo, tháng 5 vừa rồi điều chỉnh 2 lần, một số mặt hàng khác khác như y tế giáo dục cũng sẽ được điều chỉnh tăng.
Trong khi đó, áp lực đối với tỷ giá cũng ở mức độ cao hơn so với năm ngoái. Năm ngoái đồng USD đã mất khoảng gần 10% nhưng từ đầu năm tới nay, đồng tiền này đã tăng khoảng 1,8%, điều này tạo ra áp lực đối với tỷ giá USD/VND.
Việc Mỹ tiếp tục tăng lãi suất cũng như tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới tương đối khả quan sẽ kéo theo khả năng USD năm nay tăng giá thay vì mất giá như năm ngoái, gây áp lực cho đồng VND. Do đó, tôi cho rằng, năm nay nếu chúng ta giữ được lạm phát ở mức 4% đã là rất thành công rồi.
Theo như ông nói thì tỷ giá USD/VND năm nay cũng sẽ có khá nhiều áp lực?
Đúng là tỷ giá sẽ có nhiều áp lực hơn. Dù vậy, tôi cũng cho rằng, chúng ta không cần phải quá quan ngại. Theo số liệu từ từ đầu năm tới nay thì đồng VND mới chỉ giảm khoảng 0,47%. Trong khi đó, quan hệ cung cầu ngoại tệ của Việt Nam vẫn khá ổn, trong khi NHNN vẫn tiếp tục điều hành chính sách tỷ giá trung tâm linh hoạt.
Ngoài ra, dự trữ ngoại hối đang ở mức cao kỷ lục cũng giúp tăng khả năng chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài.
Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để vẫn có thể duy trì được mức lạm phát mục tiêu trong bối cảnh có rất nhiều áp lực như ông vừa chỉ ra?
Muốn giữ được mức lạm phát 4% trong năm nay chúng ta sẽ phải rất quyết liệt, như tiến độ tăng giá một số mặt hàng phải xem xét để có lộ trình phù hợp, phải phối hợp giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá, giá cả để đảm bảo CPI không tăng nhanh và bùng phát vào những thời điểm như cuối năm.
Lạm phát tăng thì chính sách tiền tệ khó mà nới lỏng. Theo đánh giá của ông, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới lãi suất trong thời gian tới?
Câu chuyện về lãi suất hơi khác một chút. Trong bối cảnh hiện nay, khi lạm phát tăng lên sẽ khiến cho việc giảm lãi suất cho vay của Việt Nam sẽ khó khăn hơn.
Nguyên nhân là do lãi suất đồng USD tại Mỹ tiếp tục tăng lên, trong nước thì áp lực lạm phát khá lớn, nhu cầu huy động vốn của nền kinh tế để hướng đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 17% thì rất khó giảm lãi suất đầu vào, Điều này khiến giảm lãi suất đầu ra khó khăn hơn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Trần Thúy (Bizlive.vn)