Lạm phát giảm, lương tăng: Làm sao để người tiêu dùng có niềm vui 'kép'?

09/07/2023 08:35:49

Lương tăng trong bối cảnh lạm phát giảm giúp phần nào giảm sức ép lên mặt bằng giá cả, tuy nhiên cũng đặt ra mối lo khi cầu tiêu dùng đang yếu đi.

Lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến

Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng các tháng từ đầu năm đến tháng 6-2023 so với cùng kỳ năm trước có xu hướng giảm dần, từ mức 4,89% của tháng 1 xuống còn 2,0% vào tháng 6. Theo TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - tài chính, mức giảm của lạm phát trong 6 tháng đầu năm giảm mạnh hơn dự báo. Nguyên nhân chủ yếu do tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp với tất cả các cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm (đầu tư, tiêu dùng) hoặc sụt giảm (xuất khẩu). Cùng với đó, tăng trưởng cung tiền cũng thấp. Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20-6-2023 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả thời kỳ xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Lạm phát giảm, lương tăng: Làm sao để người tiêu dùng có niềm vui 'kép'?
Giá cả hàng hóa không tăng đột biến nhưng sức cầu vẫn rất yếu

Nguyên nhân chính khiến cung tiền tăng chậm một mặt là do tổng cầu yếu khiến nhu cầu tín dụng thấp. Mặt khác do các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay khi lo ngại nợ xấu gia tăng. Điều này khiến số nhân tiền tệ hay tốc độ quay vòng tiền tệ bị suy giảm mạnh. Nguyên nhân nữa khiến lạm phát giảm mạnh là do lãi suất thực ở mức quá cao.

“Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 6-2023 là 8,9%. Với lạm phát so với cùng kỳ hiện nay đang ở mức 2%, mức lãi suất cho vay thực là 6,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cũng như mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013-2021 là 5,9% và 4,6%. Đây là mức lãi suất cản trở phục hồi kinh tế và tăng trưởng, đồng thời làm tăng nợ xấu” - TS Nguyễn Đức Độ đánh giá.

Thêm vào đó, thị trường xăng dầu đạt đỉnh vào năm trước và trong xu hướng giảm, trước nguy cơ suy thoái toàn cầu, đặc biệt tại Mỹ, châu Âu có thể rơi vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Nguy cơ suy thoái toàn cầu như thanh đao treo lơ lửng khiến giới đầu cơ hàng hóa không dám đầu cơ đẩy giá. Với những diễn biến nêu trên, vị chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục tác động kiềm chế tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm. Cùng với đó, các cú sốc về cung như giá dầu, tỷ giá giống năm 2022 cũng không cao, giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng giảm, tỷ giá khá ổn định...

Lạm phát giảm, lương tăng: Làm sao để người tiêu dùng có niềm vui “kép”? ảnh 2
Người tiêu dùng chủ yếu tập trung những mặt hàng thiết yếu

Lương tăng, giá cả chưa có biến động lớn

Việc kỳ vọng lạm phát giảm cùng tổng cầu suy yếu đã phần nào kiềm chế mặt bằng giá cả dù từ ngày 1-7 vừa qua, mức lương cơ sở đã tăng gần 20%. Theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ dân sinh, giá các loại rau chỉ tăng nhẹ khoảng 5 - 10%, trong khi thịt lợn, thịt bò vẫn chưa có biến động đáng kể. Theo các tiểu thương, sắp tới có thể giá thịt lợn tăng nhẹ do giá lợn hơi tăng, tuy nhiên sẽ không tăng tương ứng như mức tăng lương được do sức mua của người dân không cao.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hạnh - nhân viên hành chính một cơ quan Nhà nước chia sẻ, trước đây mức lương “cứng” sau khi trừ bảo hiểm và các khoản đóng góp của chị còn 6,7 triệu đồng. Đầu tháng 7, chị được nhận lương mới là hơn 8 triệu đồng, một khoản tăng thêm đáng kể, vui mừng nhưng vẫn thắc thỏm nỗi lo tăng giá. Nhưng thật may, sau khi khảo sát chợ dân sinh gần nhà, chị thấy mặt bằng giá tăng không đáng kể.

“Mỗi mớ rau có tăng nhẹ khoảng 1.000 - 2.000 đồng tùy nơi, tôi cũng vui vẻ vì mình được tăng lương thì cũng muốn chia sẻ tới những người bán hàng, không vấn đề gì. Còn thịt lợn các loại vẫn quanh khoảng 130.000 đồng/kg, các loại thịt bò tôi thường mua vẫn ở mức 280.000 đồng/kg. Các loại hàng tiêu dùng khác như giấy vệ sinh, dầu ăn, nước mắm… trong giai đoạn dịch đã tăng khá mạnh nên hiện nay chưa thấy tăng giá thêm. Một số mặt hàng thủy hải sản thậm chí giá khá dễ chịu. Ví dụ tôm to hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay giá khoảng trên dưới 400.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ khoảng 350.000 đồng/kg và chưa thấy tăng giá trở lại” - chị Hạnh cho biết.

Tại các siêu thị, các mặt hàng rau củ quả, thịt, hải sản vẫn giữ được ổn định như tháng trước. Nhiều mặt hàng gia dụng, thời trang thậm chí còn được giảm giá do chính sách giảm thuế VAT. Chị Hồ Thị Thanh Hương - một người tiêu dùng cũng vui vẻ chia sẻ, bình thường khi lương tăng thì giá cũng tăng theo khá mạnh, nhưng lần này biến động về giá là gần như không có. “Tôi đi siêu thị thấy nhiều mặt hàng giá còn rẻ hơn bình thường vì được giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%. Trong khi rau củ, thịt, dầu ăn, nước mắm giá vẫn vậy. Hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng giá như hiện tại thì việc tăng lương sẽ thực sự ý nghĩa” - chị Hương.

Theo lý giải của các chuyên gia, sở dĩ mặt bằng giá không tăng mạnh là do bối cảnh kinh tế khó khăn sau dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân không quá cao. Bên cạnh đó, nguồn cung hàng hóa khá dồi dào, một số mặt hàng gặp khó khăn trong xuất khẩu, các mặt hàng nguyên nhiên liệu đầu vào được cung ứng đầy đủ… cũng giúp hạ nhiệt giá cả hàng hóa.

Đặc biệt, thời gian qua, Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá đã có sự chỉ đạo, điều hành rất sâu sát, kịp thời. Các bộ, ngành, địa phương cũng rất chủ động, linh hoạt trong quản lý, kiểm soát giá cả.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng các báo về điều hành giá, đưa ra những kế hoạch, tình huống sẽ triển khai trong quá trình điều hành, trong đó có việc tăng lương cơ sở và một số vấn đề khác. Một trong những giải pháp mà Bộ Tài chính đưa ra là làm tốt công tác truyền thông để tránh tâm lý người dân bị ảnh hưởng bởi chính sách tăng lương. “Tâm lý của người dân bị ảnh hưởng càng ít càng tốt, nếu không bị ảnh hưởng thì các giải pháp về kiểm soát giá sẽ phát huy tác dụng, giá cả ổn định, hướng tới những mục tiêu đề ra” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Mối lo cầu tiêu dùng giảm

Dù giá cả tương đối ổn định, song một số chuyên gia cũng đặt vấn đề lo ngại khi cầu tiêu dùng đang yếu, cần những giải pháp căn cơ để kích cầu, trong đó có việc cần phải khai thác mạnh mẽ hơn nữa các tiềm năng của bán lẻ.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, quan sát trên thị trường hiện nay, nhiều điểm bán siêu thị đặc biệt là các trung tâm thương mại và các diện tích kinh doanh dịch vụ của các cửa hàng nhỏ của tư nhân cũng đều bị thu hẹp, trống vắng khá nhiều, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Tại kênh truyền thống, doanh số bán hàng bị giảm mạnh, chợ có ít người vào mua hàng hơn so với mấy năm trước đây.

Về cơ cấu tiêu dùng, do thu nhập còn tiếp tục khó khăn nên các gia đình chủ yếu tập trung vào những mặt hàng thiết yếu hàng ngày, dành tiền cho tiết kiệm và dự phòng chung. Trong khi đó, giá cả một số hàng hóa chưa thực sự tốt, do phải qua quá nhiều khâu trung gian làm đẩy giá lên từ 30 - 40%, có khi tăng gấp 2, gấp 3. “Chính vì vậy giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng cao vô lý và tình trạng này đã kéo dài nhiều năm chưa giải quyết. Đây cũng là một nút thắt làm cho sức mua bị ảnh hưởng lớn và ảnh hưởng ngược lại đến sức sản xuất, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm, có lúc gây ra ứ đọng phải giải cứu” - vị chuyên gia đánh giá.

Ông Vũ Vinh Phú cũng chỉ ra hiện tượng một số hệ thống siêu thị thống lĩnh độc quyền khiến hàng hóa vào siêu thị khó khăn, bị ép chiết khấu, đẩy giá lên, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Theo vị chuyên gia, nếu giải quyết được những vấn đề này sẽ giúp hạ mặt bằng giá cả nhiều hàng hóa tiêu dùng, qua đó đẩy mạnh cầu tiêu dùng trong nước.