Những ngày cuối năm là dịp phái nữ đổ xô đi làm đẹp khiến những cửa hàng này luôn trong tình trạng đông đúc, quá tải. Theo nhận xét từ các tiệm, nhu cầu làm đẹp tăng gấp 3-4 lần. Các cửa hàng dịch vụ như nối mi, uốn mi, làm móng,... luôn trong tình trạng khách nườm nượp ra vào.
Một số tiệm làm đẹp bắt đầu mở cửa sớm hơn và nghỉ muộn hơn 3-4 giờ so với ngày thường, thậm chí làm xuyên trưa hay đến tận nửa đêm để phục vụ tối đa cho các “thượng đế”.
Chị Hương, một chủ tiệm làm móng, mi, chia sẻ: “Cuối tuần lượng khách tăng đột biến nên mình chỉ ưu tiên khách quen có lịch hẹn từ trước. Tiệm phải mở cửa từ sáng tới 11-12 giờ đêm. Tôi và tất cả nhân viên thường phải ăn tạm bánh mỳ để tiết kiệm thời gian làm việc. Những ngày cận Tết, tôi cũng không có thời gian đi sắm sửa cho gia đình, mọi việc đều do mẹ chồng và chồng giúp đỡ”.
Một số tiệm làm móng (nail) gần khu vực phố cổ không chỉ có khách Việt mà rất đông khách du lịch nước ngoài. Đa phần nếu là khách ngoại quốc sẽ được ưu tiên, không phải đặt lịch trước. Tuy nhiên, khách vẫn phải chấp nhận cảnh chờ đợi mòn mỏi mới tới lượt.
Chị Hằng, một khách hàng quen thuộc của dịch vụ làm đẹp, thở dài: “Mình đã đặt lịch từ thứ hai đầu tuần, ung dung cuối tuần sẽ đến lượt. Nhưng đến nơi thì khách quá đông, mình phải chờ thêm ba vị khách nữa mới đến lượt. Đấy là còn tránh trường hợp năm ngoái mình bận quá, 29 Tết mới đi làm móng, mối mi thì lượn một vòng các cửa hàng quen mà tận 9h tối mới được nhận”.
Có rất nhiều mức giá, kiểu dáng cho khách lựa chọn khi làm móng. Tùy vào loại sơn gel cũng như kiểu dáng khách lựa chọn. Trung bình từ khoảng 100-200 nghìn đồng cho sơn gel thường, trơn, đơn giản và từ năm trăm nghìn đến tiền triệu cho những bộ móng phức tạp hơn, đính đá đòi hỏi phải có tay nghề cao và thẩm mỹ của người làm.
Những cơ sở lớn, có uy tín trung bình hàng ngày phục vụ đến cả trăm bộ móng tay, chân mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng dịp Tết.
Đôi mắt vốn được coi là “cửa sổ tâm hồn” nên cũng được các chị em không tiếc tay đầu tư tới 300-700 nghìn đồng/dịch vụ cao cấp và 100-300 nghìn đồng cho dịch vụ bình dân.
Tùy vào nhu cầu, sở thích, các loại mi được chọn cũng rất đa dạng như: nối mi lụa, mi volume, uốn mi 3D, 6D. Giá chăm sóc cho đôi mi đa dạng là thế nhưng đa phần các chị em chọn dịch vụ cao cấp để có thể có một đôi mi cong đẹp tự nhiên, bền, ít bị rụng,... Nhiều tiệm nối mi uy tín chỉ nhận khách quen đặt lịch trước, không nhận làm cho khách ngoài.
So với những năm trước, năm nay, lượng khách tăng đột biến. Nhiều chủ tiệm trước chỉ mở dịch vụ làm móng nhưng do nhu cầu khách nên kết hợp cả dịch vụ nối mi. Khách đông nườm nượp, nhân viên đổi tay, thay ca không kịp.
Chị Mỹ Linh, chủ tiệm làm đẹp trên phố Chùa Láng, chia sẻ: “Tiệm mình ở trong ngõ sâu, tốn ít chi phí mặt bằng, chủ yếu phục vụ sinh viên và những người có thu nhập trung bình nên doanh thu không được cao như các tiệm lớn. Đa phần đều là khách quên nên mình không tăng giá dịp cuối năm. Trung bình một ngày, chỉ tính riêng nối và uốn mi, nhẩm tính, trừ hết chi phí, một ngày cũng thu từ 1-2 triệu đồng”.
Mặc dù nối, uốn mi rất đơn giản, nhẹ nhàng, nhanh chóng không gây đau đớn. Nhưng nếu người nối không có tay nghề và thẩm mỹ sẽ khiến mi trông thô, dày, thậm chí “không nối còn đẹp hơn”. Hay khách hàng không biết vệ sinh đúng cách có thể bị viêm nhiễm, nổi mụn, sưng và rụng mi thật. Vì vậy, người làm đẹp cho khách không chỉ khéo tay, thạo nghề mà cần phải có tâm, hướng dẫn tỉ mỉ khách cách chăm sóc mi sau khi nối.
Nhu cầu làm đẹp ngày Tết là chính đáng, ai cũng muốn mình xinh đẹp và tươi trẻ trong mắt người thân và bạn bè. Tuy nhiên, chị em cần lựa chọn cơ sở uy tín, sản phẩm phù hợp với nhu cầu để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
Theo Khổng Hồng (VietNamNet)