Trước sự bức xúc của người dân và các doanh nghiệp, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo giảm mức thu phí BOT trên cao tốc Liên Khương – Đà Lạt.
Ngày 1.9, ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa gửi công văn hỏa tốc chỉ đạo Sở GTVT, Sở Tài chính, Sở kế hoạch đầu tư, Cục thuế tỉnh và các đơn vị liên quan làm việc với Nhà đầu tư Dự án đường cao tốc Liên Khương – Đà Lạt là Công ty TNHH Hùng Phát để điều chỉnh giá vé tại Trạm thu phí Định An (xã Định An, huyện Đức Trọng). Trước mắt giảm giá ngay đối với các tổ chức, cá nhân đang sinh sống, làm việc tại các xã Hiệp An, Hiệp Thạnh, một phần thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng); xã Đạ Ròn và một phần thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương), nơi có phương tiện chính chủ thường xuyên lưu thông qua trạm thu phí. Đồng thời yêu cầu nhà đầu tư bố trí nguồn vốn đại tu, nâng cấp chất lượng đường cao tốc trong năm 2017.
Dự án cao tốc Liên Khương - Đà Lạt dài 19,2 km do Công ty TNHH MTV 7/5 thuộc Quân khu 7 được chỉ định thầu, sau đó công ty này chuyển nhượng quyền quản lý, khai thác cho Công ty TNHH Hùng Phát. Từ khi bắt đầu thu phí (tháng 7.2008) đến nay, Trạm thu phí Định An đã 3 lần điều chỉnh tăng giá vé, với mức thu hiện hành thấp nhất 36.000 đồng/xe, mức cao nhất lên tới 192.000 đồng/xe, thuộc hàng cao nhất nhì cả nước. Thời gian hoàn vốn của dự án cũng kéo dài tới 23 năm, từ năm 2008 đến năm 2031.
Mặt đường cao tốc Liên Khương – Đà Lạt xuống cấp. |
Điều đáng nói là mức phí tăng liên tục trong khi vốn ngân sách nhà nước tại dự án đã tăng gấp 5 lần so với ban đầu, còn vốn của doanh nghiệp thì giảm xuống. Cụ thể tại hợp đồng giữa UBND tỉnh Lâm Đồng với Công ty TNHH MTV 7/5 vào năm 2003, dự án cao tốc Liên Khương - Đà Lạt trị giá 572,4 tỷ đồng, trong đó vốn của nhà đầu tư là 377,5 tỷ đồng, ngân sách nhà nước là 195 tỷ đồng. Từ đó đến nay, dự án đã qua 3 lần tăng vốn. Lần gần nhất năm 2011, UBND tỉnh ra quyết định tăng tổng vốn đầu tư của dự án lên 1.313,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước tăng lên 985,2 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp giảm xuống còn 328,4 tỷ đồng.
Một đoạn cao tốc Liên Khương - Đà Lạt. |
Một nỗi bức xúc khác của người dân là Trạm thu phí Định An đặt ngay ở "nút chai" chân đèo Prenn, các phương tiện lưu thông trên QL 20 (từ TP HCM lên) và QL 27 (từ Ninh Thuận lên) muốn vào Đà Lạt buộc phải đóng phí đầy đủ cho trạm, mặc dù chỉ "quá giang" vài cây số chứ không đi suốt tuyến cao tốc bắt đầu từ huyện Đức Trọng. Mặt khác, trong khi mức phí tăng thì đường cao tốc này đang hư hỏng, xuống cấp từng ngày.
Theo Nguyễn Hưng (Dân Việt)