Ông Thành chỉ rõ lãi suất tiền gửi của cả đồng Việt Nam lẫn USD đã thấp từ lâu. Trong khi đó, việc giữ tiền USD của cá nhân, doanh nghiệp là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thuận tiện khi thanh toán.
"Có thể sẽ có một số người chuyển từ USD sang tiền Việt để hưởng lãi suất khoảng 6%, nhưng số này ít lắm. Vì tiền Việt năm vừa rồi cũng đã mất giá 5%, nên lượng chênh lệch sẽ không đáng kể", ông Thành nhận định.
Dù lãi suất tiền gửi về 0,25% nhưng USD vẫn được ưa chuộng găm giữ do tính ổn định và tiện lợi khi thanh toán. Ảnh: Anh Tuấn.
Thực tế, theo khảo sát, tại tuyến phố Hà Trung - vốn là phố USD tự do nổi tiếng tại Hà Nội - giao dịch không có biến động nhiều. Anh Tuyến, chủ một cửa hàng tại phố này cho biết, thời điểm cuối năm là lúc nhu cầu thanh toán của người dân tăng mạnh, cũng là lúc nhiều người nhận được khoản kiều hối từ nước ngoài gửi về.
"Khách đến mua bán chỉ vì USD tăng giá hay giảm giá, chứ ít khi là vì lãi suất, nhất là khi mức điều chỉnh ít như vậy. Tuy nhiên, do giá USD giờ ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ giữ nguyên tỷ giá cho đến hết năm 2015, nhưng sang năm 2016 thì chưa biết được, nên nhiều khách chờ qua Tết dương lịch mới bắt đầu mua bán", anh này nhận định.
Trong khi đó, chị Hà Thảo, ngụ tại quận 1, TP HCM cho biết, bản thân rất chuộng tiết kiệm bằng tiền USD. Thông thường, từ giữa năm đến tháng 11 sẽ là thời điểm chị Thảo tăng cường nắm giữ đồng bạc xanh, trước khi bán ra thu lời vào cuối năm, khi giá tăng theo chu kỳ.
"Tôi giữ USD không phải vì lãi suất, mà tính toán tới sự ổn định của đồng tiền này, nên lãi suất về 0% cũng không ảnh hưởng gì. Hơn nữa, so với lãi tiền đồng hiện tại thì giữ USD sẽ có lợi hơn, bởi USD vẫn tăng giá đều", chị Thảo chia sẻ.
Chị cho biết, nếu ngân hàng giữ lãi suất 0%, nhưng lại thu phí như trường hợp của vàng thì chị sẽ rút tiền về, và tính chuyện đầu tư vào bất động sản.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc tài chính của công ty Finoseed, một doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực cung cấp hạt giống, cho rằng, lãi suất USD về 0% cũng khó làm thay đổi nhu cầu găm giữ USD của doanh nghiệp, nhất là FDI. Nguyên nhân là vì các công ty này cần trữ sẵn đồng USD để thanh toán, và hạn chế rủi ro tỷ giá có thể xảy ra.
Trước đó, gần 2 tháng sau quyết định giảm lãi suất tiền gửi USD của các doanh nghiệp từ mức 0,25% về 0%, Ngân hàng Nhà nước ngày 17/12 đã hạ lãi suất tiền gửi USD của cá nhân về chung một mặt bằng. Theo đó, từ mức 0,75% trước ngày 29/9, lãi suất tiền gửi của các cá nhân đã được điều chỉnh 2 lần, xuống 0,25% rồi về 0% kể từ ngày 18/12.
Đây được cho là bước đi tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước khi chuyển đổi quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ thương mại mua - bán. Điều này, theo các chuyên gia, là nhằm hạn chế những cú sốc về dòng vốn, cũng như tác động từ các hoạt động đầu tư vào hay rút vốn khỏi Việt Nam.
Theo Hạ Minh (Zing.vn)