Lãi suất tiết kiệm giảm sâu, tiền dư nghìn tỷ bế tắc đầu ra

11/09/2021 15:08:18

Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động khiến mặt bằng lãi suất tại một số kỳ hạn thấp kỷ lục.

Lãi suất huy động tiếp tục giảm

Bước sang tháng 9, lãi suất huy động tại một số kỳ hạn của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục được điều chỉnh giảm, với mức giảm phổ biến từ 0,2-0,5 điểm %/năm so với biểu lãi suất đầu tháng 8.

Đơn cử, Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Tiên Phong (TPBank) giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng thêm 0,1 điểm % xuống còn 5,3%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,5%, từ 6,2%/năm xuống còn 5,7%/năm; kỳ hạn 18 và 36 tháng giảm 0,3%, xuống còn 6%/năm. Đối với gửi tiết kiệm trực tuyến, TPBank cũng điều chỉnh giảm ở một số kỳ hạn, mức giảm nhiều nhất tới 0,75%/năm so với hồi đầu tháng 8.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng giảm từ 6,1% xuống còn 5,8%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,4% xuống 4,5%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm 0,2%, còn 3%/năm; kỳ hạn 1 tháng giảm 0,3%, còn 2,9%/năm.

Cùng xu hướng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng tiến hành hạ lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn, với mức giảm 0,1 điểm % so với đầu tháng trước. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1-12 tháng tại ACB dao động từ 3,3-5,9%/năm.

Lãi suất tiết kiệm giảm sâu, tiền dư nghìn tỷ bế tắc đầu ra
Lãi suất huy động tiếp tục giảm

Tháng 9 này, biểu lãi suất tiền gửi tại Ngân hàng VietBank cũng giảm mạnh so với tháng trước. Cụ thể, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng giảm 0,3%; các kỳ hạn từ 6-12 tháng giảm 0,1%; các kỳ hạn từ 15-36 tháng giảm đồng loạt 0,2% so với đầu tháng trước.

Tương tự, trong tháng 9, ngân hàng Saigonbank điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 6-11 tháng thấp hơn 0,4 điểm % so với tháng trước, hiện cùng ở mức 4,7%/năm; kỳ hạn 13 tháng có mức lãi suất cao nhất là 6,2%/năm (giảm 0,3 điểm %); kỳ hạn 18-36 tháng cùng giảm 0,2 điểm %, ở mức 5,8%/năm.

Một số ngân hàng khác cũng tiến hành giảm lãi suất huy động. Chẳng hạn, Techcombank giảm lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn chủ chốt từ 0,25-0,5 điểm %. MBBank cũng giảm lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn, mức giảm từ 0,2-0,27 điểm %. HDBank cũng giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn từ 0,1-0,3%...

Ở khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, hai ngân hàng Agribank và BIDV cũng tiến hành giảm 0,1% lãi suất huy động tại các kỳ hạn dài từ 12-36 tháng, từ 5,6%/năm xuống còn 5,5%/năm. Trong khi đó, Vietcombank, VietinBank vẫn tiếp tục duy trì biểu lãi suất đã áp dụng trước đó.

Theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại nhiều kỳ hạn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng vì thế cũng thấp kỷ lục trong gần 10 năm qua.

Lãnh đạo một số ngân hàng cho hay, không chỉ mặt bằng lãi suất huy động thấp mà việc cho vay vốn cũng không dễ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều ngân hàng chịu sức ép phải giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nên không thể duy trì lãi suất huy động ở mức hấp dẫn như trước.

Trung tâm phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research cho biết, thị trường tiền tệ tuần gần đây nhất diễn ra với tình trạng dư thừa thanh khoản tại các ngân hàng thương mại. Việc này đã khiến lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm sâu.

Lãi suất huy động ngân hàng nào cao nhất?

Theo biểu lãi suất tại hơn 30 ngân hàng ngày 8/9, mức lãi suất cao nhất trên thị trường tiền gửi hiện nay là 7,3%/năm, thuộc về Ngân hàng ACB. Tuy nhiên, để được hưởng lãi suất này, khách hàng cần có 30 tỷ đồng trở lên và gửi 13 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ.

Lãi suất tiết kiệm giảm sâu, tiền dư nghìn tỷ bế tắc đầu ra - 1
 Một số ngân hàng vẫn có mức lãi suất hấp dẫn.

Techcombank có lãi suất cao thứ hai, với lãi suất huy động 7,1%/năm. Điều kiện để được nhận lãi suất này là số dư gửi tiết kiệm của khách hàng từ 999 tỷ đồng trở lên, gửi kỳ hạn 12 tháng.

Một số ngân hàng khác cũng có lãi suất hấp dẫn, từ 6,9-7%/năm, như: VRB (7%/năm), MSB (7%/năm), LienVietPostBank (6,99%/năm), MBBank (6,9%/năm), Ngân hàng Việt Á (6,9%/năm)...

Trong khi đó, ở từng kỳ hạn, lãi suất huy động có sự chênh lệch khá lớn giữa các ngân hàng.

Cụ thể, với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, lãi suất tiết kiệm tại quầy ở mức 2,5-4%. GPBank là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này.

Tại kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất huy động gửi tại quầy được niêm yết trong khoảng 3,2-4%, cao nhất vẫn là GPBank.

Với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy từ 4-6,25%. NCB và CBBank là hai ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao nhất ở kỳ hạn này.

Ở kỳ hạn 9 tháng, lãi suất huy động tại quầy dao động quanh mức 4-6,4%, cao nhất là NCB.

Đối với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy là 4,85-6,8%, đứng đầu là SCB.

Tại kỳ hạn 13 tháng, lãi suất huy động tại quầy quanh mức 5,1-6,7%.

Kỳ hạn 18 tháng, lãi suất huy động tại quầy trong khoảng 5,5-6,8%. NCB và SCB có mức lãi suất tốt nhất ở cả hai kỳ hạn trên.

Với các kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, các ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động quanh mức 5,1-7%. VRB ở vị trí quán quân về lãi suất huy động ở kỳ hạn này.

Đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, khách hàng được cộng thêm 0,1-0,6 điểm %. Do nhiều địa phương đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, các ngân hàng khuyến nghị khách hàng có thể chọn gửi tiền online để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh vừa tiết kiệm thời gian đi lại vừa được hưởng lãi suất cao hơn so với gửi tại quầy.

Theo Tuấn Dũng (VietNamNet)

 

Nổi bật