Theo biểu lãi suất mới nhất của BIDV, các khoản tiền gửi kỳ hạn một tháng và 2 tháng sẽ được hưởng lãi suất 4,8% mỗi năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ. Khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng được nâng từ 4,8% lên 5,2% một năm, tương đương với kỳ hạn 5 tháng. Các khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng trở lên ngân hàng áp dụng mức lãi suất cào bằng 6,9% mỗi năm.
Tương tự, VietinBank cũng có động thái tăng lãi suất tiền gửi. Với các kỳ hạn dưới 6 tháng ngân hàng này giữ nguyên nhưng lãi suất từ 6 đến 9 tháng đã tăng từ mức 5,5-5,7% lên 5,8% một năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 6,5% lên 6,8% một năm.
Trong khi đó, trái ngược với động thái trên, mới đây Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã hạ lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn thêm 0,1%. Như vậy, Vietcombank hiện được xem là ngân hàng có mức lãi suất huy động thấp nhất trong nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, cũng như thấp nhất trên toàn hệ thống.
Việc hạ lãi suất của Vietcombank được xem là khá bất ngờ bởi thời điểm hiện nay đã gần kề cuối năm tài chính 2017 - thời điểm mà nhu cầu về vốn của nền kinh tế thường tăng cao.
Theo lý giải của lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương, động thái giảm lãi suất tiền gửi là do nguồn vốn của nhà băng khá dồi dào. Ông cho rằng khi ngân hàng kinh doanh thì phải tính đến lợi nhuận, nhưng việc cho vay còn phải tính toán kỹ đến các tỷ lệ mà Ngân hàng Nhà nước quy định, cũng như hệ số an toàn vốn.
Trong khi đó, dù ngân hàng đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác nhưng tiền gửi vẫn chảy về khá mạnh. Để tiết giảm chi phí trả lãi nguồn vốn, ngân hàng lại phải tranh thủ đẩy kinh doanh trên liên ngân hàng.
Nhìn nhận về diễn biến trái chiều của lãi suất huy động giữa các "ông lớn ngân hàng", Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, việc các ngân hàng lớn thay đổi lãi suất huy động có lẽ xuất phát từ nhu cầu về vốn khác nhau.
Một số nhà băng giảm nhẹ lãi suất tiền gửi là để cơ cấu lại nguồn vốn, trong khi số khác tăng lên có thể do nhu cầu cho vay cuối năm lớn, nên họ tăng cường hút vốn. Hơn nữa, mục tiêu tăng tín dụng năm nay là trên 20% nhưng đến hết tháng 10, tín dụng toàn ngành mới tăng trưởng 13,6%, tức còn room gần 7%. Đây là dư địa lớn để các ngân hàng tăng tốc cho 2 tháng cuối năm.
Thực tế cho thấy trên thị trường liên ngân hàng 3 tuần qua, lãi suất tăng lên và đã chạm mức cao nhất trong gần 4 tháng. Ngân hàng Nhà nước phải tăng bơm tiền ra hệ thống, với tuần đến ngày 10/11 tổng cộng là 26.000 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ tháng 2/2017.
Theo ông Hiếu, đây là tín hiệu cho thấy thanh khoản đang có dấu hiệu căng thẳng tạm thời và điều này hoàn toàn bình thường. Bởi nhu cầu thanh khoản sẽ gia tăng khi mùa cao điểm cuối năm đang đến gần; mặc khác, tốc độ tăng huy động thời gian qua cũng chậm hơn cho vay nên giờ các ngân hàng phải đẩy mạnh việc hút vốn.
Riêng động thái giảm lãi suất tiền gửi của Vietcombank, các chuyên gia cho là tín hiệu tốt, có thể sẽ kéo theo một vài ngân hàng khác hạ lãi suất huy động trong thời gian tới. Bởi lẽ, hiện nay nhiều nhà băng có thanh khoản tốt, hoàn toàn có điều kiện để hạ lãi suất huy động nhưng vì mục tiêu thị phần nên vẫn chấp nhận phải hy sinh một phần lợi nhuận của mình.
Theo Thanh Lê (VnExpress.net)